Sign In

Khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thi hành án khoản giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động cho người được thi hành án không trực tiếp nuôi dưỡng

02/08/2022

Trên cơ sở quy định tại Điều 82 và Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình, Tòa án khi ra bản án, quyết định về ly hôn, ngoài việc quyết định giao con chung cho người cha hoặc mẹ nuôi dưỡng, đồng thời xác định quyền, nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi dưỡng thông thường theo hướng “người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Ví dụ: i) Bản án số 38/2017/HNGĐ-ST ngày 17/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện TC tuyên: Giao cháu Nguyễn Thị N và cháu Nguyễn Văn P cho chị Nguyễn Thị Th nuôi dưỡng. Anh T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở. ii) Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự số 203/2017/QĐST-HNGĐ ngày 10/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện YT quyết định: Giao con chung là Nguyễn Duy S cho chị T nuôi dưỡng. Anh H có quyền đi lại, chăm sóc, giáo dục con chung, không ai được cản trở.
Đây là nội dung được tuyên, quyết định trong bản án, quyết định dân sự nên theo quy định tại Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) xác định thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành đối với loại việc này gặp một số khó khăn, bất cập sau:
Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định chủ thể người phải thi hành án và người được thi hành án.
Điều 3 Luật Thi hành án dân sự về giải thích từ ngữ : “…2. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. 3. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”.
Xuất phát từ người được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định thì người được thi hành án “chính” là người con. Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Như vậy, người cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng vừa là người có quyền vừa là người có nghĩa vụ. Theo như cách tuyên tại Bản án số 38/2017/HNGĐ-ST ngày 17/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện TC nêu trên thì anh T trở thành người được thi hành án khi anh T không thực hiện được quyền thăm con chung. Tuy nhiên anh T cũng có thể trở thành người phải thi hành án nếu như anh T không có trách nhiệm thăm con mà chị Th người đại diện cho cháu Nguyễn Thị N và cháu Nguyễn Văn P yêu cầu.
Thực tiễn để xác định người phải thi hành án đối với loại việc này cũng không đơn giản. Nhiều trường hợp người con sau khi cha, mẹ ly hôn không sống chung với cha, mẹ nữa mà sống với ông, bà hoặc một người khác. Bản thân người cha hoặc mẹ được bản án tuyên có quyền nuôi dưỡng không cản trở nhưng chính người đang trực tiếp nuôi dưỡng hiện tại không tạo điều kiện, gây khó khăn trong việc thăm nom. Dẫn đến việc xác định người phải thi hành án khi ra quyết định thi hành án của cơ quan THADS còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, cho rằng: người phải thi hành án là người đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên được quyền nuôi dưỡng người con. Ý kiến thứ hai, lại cho rằng: người phải thi hành án là người đang trực tiếp quản lý nuôi dưỡng người con, có thể là ông, bà hoặc một người khác mà người con đang sống cùng. Tuy nhiên, cả hai ý kiến trên đều có những khó khăn: đối với ý kiến thứ nhất, thì người con không cùng sống chung với người này và bản thân họ không cản trở nên việc xác định họ là người phải thi hành án là chưa phù hợp; về ý kiến thứ 2, xác định ông, bà hoặc người khác mà người con đang sống cùng là người phải thi hành án còn vướng về căn cứ pháp lý vì họ không được tuyên trong bản án, quyết định của Tòa án…
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án.
Giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động cho người được thi hành án không trực tiếp nuôi dưỡng là một trong những trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không được từ chối yêu cầu thi hành án của đương sự[1]. Cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án khi nhận được yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án để ra quyết định thi hành án, cũng như kết thúc việc thi hành án và phương thức tổ chức thi hành án trong trường hợp này chưa được hướng dẫn cụ thể.
Về ra quyết định thi hành án giao quyền thăm nom cho anh T theo Bản án số 38/2017/HNGĐ-ST ngày 17/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện TC nói trên hiện vẫn còn có cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất, là khi anh T có yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS phải ra quyết định thi hành án; cách hiểu thứ 2 là cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi có căn cứ việc thăm nom con chung của anh T bị người khác cản trở.
Về phương thức tổ chức thi hành án cũng là vấn đề nan giải cho cơ quan THADS mà trong thực tiễn đã phát sinh. Có trường hợp người được thi hành án yêu cầu người đang trực tiếp nuôi dưỡng phải bố trí cho thăm con thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, có trường hợp người được quyền thăm nom, không thực hiện được việc thăm nom nên yêu cầu cơ quan THADS phải bố trí thời gian, địa điểm cho họ thăm nom…
Về thời gian kết thúc việc thi hành án, có quan điểm cho rằng: việc thi hành án kết thúc khi người chưa thành niên đủ 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự chết. Ý kiến khác lại cho rằng: việc thi hành án kết thúc khi cơ quan THADS đã thực hiện đủ thủ tục theo quy định tại Điều 119 Luật Thi hành án dân sự.
Theo quan điểm của tác giả, cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi có căn cứ việc thăm nom người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động bị người khác cản trở và đối tượng “người phải thi hành án” là người có hành vi cản trở. Việc tổ chức thi hành án thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều 119 Luật Thi hành án dân sự về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện công việc nhất định.
 
Theo: https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1006


Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: