Sign In

Hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị

30/08/2019

Trong quá trình tổ chức thi hành án, hoãn thi hành án là một thủ tục mà cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên áp dụng, là việc cơ quan thi hành án dân sự quyết định tạm dừng việc tổ chức thi hành bản án, quyết định khi có căn cứ pháp luật quy định. Hoãn thi hành án tác động trực tiếp đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng quy định hoãn thi hành án vẫn còn một số ý kiến khác nhau, đòi hỏi cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.
Khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) quy định:
“Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.
Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án”.
Tại khoản 1 Điều 332 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng có quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
Như vậy, khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể, đầy đủ về hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này chưa có sự thống nhất. Cụ thể như sau:
Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đang tổ chức thi hành Bản án số 39/2018/DSPT ngày 16/3/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh T về việc ông Nguyễn Văn A phải trả cho ông Trần Đắc N số tiền 5.890.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án. Ngày 26/7/2018, ông Nguyễn Văn A và ông Trần Đắc N thỏa thuận hoãn thi hành trong thời gian 03 tháng (từ ngày 26/7/2018 đến ngày 26/10/2018), hai bên đương sự thỏa thuận trong thời gian hoãn thi hành án thì ông Nguyễn Văn A vẫn phải chịu lãi chậm thi hành án. Ngày 30/7/2018, Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đã ban hành quyết định hoãn thi hành án theo thỏa thuận của hai bên đương sự. Tuy nhiên, ngày 15/8/2018, Chi cục Thi hành án dân sự huyện C nhận được Công văn số 09/2018/HTHA-DS ngày 14/8/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu thủ trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện C hoãn thi hành Bản án trên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được công văn để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Về Công văn của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thì có hai quan điểm khác nhau về việc hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị.
Quan điểm thứ nhất: Vẫn giữ quyết định hoãn thi hành án theo thỏa thuận của hai bên đương sự. Trường hợp này do hai bên đương sự đã thỏa thuận với nhau về thời gian, phương thức, hậu quả pháp lý của việc hoãn thi hành án. Việc thỏa thuận giữa hai bên đương sự không vi phạm quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội tại thời điểm thỏa thuận, người phải thi hành án đã thống nhất chịu lãi suất phát sinh trong thời gian hoãn thi hành án nên tiếp tục giữ nguyên quyết định hoãn thi hành án này cho đến khi hết thời hạn hoãn. Sau khi hết thời gian hoãn thi hành án theo thỏa thuận của đương sự thì sẽ tiếp tục ra quyết định hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị.
Quan điểm thứ hai: Thu hồi quyết định hoãn thi hành án theo thỏa thuận của đương sự, ra quyết định hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Việc hoãn thi hành án trong thời gian người có thẩm quyền kháng nghị xem xét để quyết định kháng nghị hay không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là cần thiết vì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có sai lầm, vi phạm thủ tục tố tụng của Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự nếu đưa ra thi hành sẽ dẫn tới hậu quả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền và lợi ích của người thứ ba; việc hoãn thi hành bản án, quyết định để tránh hậu quả không thể khắc phục được, trường hợp không hoãn thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án; việc hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị không phụ thuộc vào ý chí của người phải thi hành án nên họ không thể chịu lãi suất phát sinh thi hành án, đồng thời, tại thời điểm thỏa thuận hoãn thi hành án, người phải thi hành án không thể biết được trường hợp thi hành án của họ có được hoãn thi hành án theo khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự để xem xét thỏa thuận với người được thi hành án về việc chịu lãi suất phát sinh thi hành án.
Trường hợp trên nếu không hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị thì vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự, còn nếu hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị thì ảnh hưởng đến quyền thỏa thuận thi hành án của đương sự, quyền lợi của người được thi hành án. Do đó, tác giả đề nghị xem xét bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây: “Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Thời hạn hoãn do các bên đương sự thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Qua vụ việc này, tác giả mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và độc giả để việc thi hành án được giải quyết kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trần Thị Thu Hiền
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh


Theo tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: