Trong đợt giám sát lần này, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND Tỉnh giám sát kết quả hoạt động của Cục THADS trong năm 2023 (từ 01/10/2022 đến 30/9/2023). Hoạt động THADS, theo dõi THAHC trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã bảo đảm quyền và lợi hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân, pháp luật được thực thi trên thực tế, góp phần không nhỏ vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, Cục THADS tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, kết quả cụ thể như sau:
- Kết quả THADS năm 2023: Về việc và về tiền, toàn tỉnh thụ lý mới là 16.333 việc (tăng 2.130 việc = 15% so với cùng kỳ năm 2022), tổng số phải thi hành là 24.633 việc; số có điều kiện thi hành là 16.662 việc, chiếm 67,64% trong tổng số phải thi hành; trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 14.189 việc, tăng 799 việc (5,96%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỉ lệ 85,16% (giảm 0,19%) so với cùng kỳ năm 2022, vượt 2,36% so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao năm 2023 là 82,8%. Về tiền: Toàn tỉnh thụ lý mới là 1.457 tỷ 379 triệu 239 nghìn đồng (tăng 420 tỷ 559 triệu 406 nghìn đồng = 40,56% so với cùng kỳ năm 2022), tổng số phải thi hành là 2.944 tỷ 132 triệu 503 nghìn đồng; số có điều kiện thi hành là 1.198 tỷ 800 triệu 494 nghìn đồng, chiếm 40,71% trong tổng số phải thi hành; trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 638 tỷ 767 triệu 554 nghìn đồng, giảm 32 tỷ 738 triệu 668 nghìn đồng (4,87%) so với năm 2022; đạt tỉ lệ 53,28% (giảm 0,16%) so với năm 2022, vượt 6,28% so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao năm 2023 là 47%.
- Kết quả theo dõi THAHC năm 2023: Cục THADS theo dõi 04 việc theo quyết định buộc THAHC (mới 03 việc, năm trước chuyển sang 01 việc). Kết quả, thi hành xong 02 việc, còn 02 việc.
- Việc xác minh, phân loại án và xác minh điều kiện thi hành án đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, đơn vị luôn quan tâm làm tốt công tác kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; công tác phối hợp và chú trọng vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án,…
Để đạt được kết quả nói, công tác THADS, theo dõi THAHC luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và MTTQ tỉnh Đồng Tháp; sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự đoàn kết, đồng lòng trách nhiệm xây dựng cơ quan của tập thể công chức, người lao động trong đơn vị.
Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác THADS, theo dõi THAHC gặp rất nhiều khó khăn: Lượng án phát sinh cao theo từng năm, công việc phát sinh ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Trong khi biên chế để thực hiện công việc lại giảm, để đáp ứng được khối lượng công việc thì đây là áp lực rất lớn đối với đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS. Ngoài ra, số việc thuộc diện chưa có điều kiện thi hành tương đối nhiều, chuyển qua nhiều năm. Quy trình, thủ tục xử lý đối với tài sản kê biên mất rất nhiều thời gian,... Đây cũng là hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Tại buổi làm việc các thành viên Đoàn giám sát đã đưa ra các ý kiến cần làm rõ thêm những kết quả đạt được và khó khăn vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật về THADS, công tác phối hợp liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngân hàng trong việc cung cấp thông tin phục vụ thi hành án trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục và lãnh đạo Cục THADS đã phát biểu, báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát yêu cầu.
Phát biểu tại cuộc giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tuyến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch HĐND Tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được của các cơ quan THADS tỉnh Đồng Tháp trong những năm gần đây và năm 2023, cụ thể qua các năm về việc, tiền thụ lý đều tăng cao, với khối lượng công việc nhiều, mỗi Chấp hành viên phải thi hành hơn 350 việc/40 tỷ đồng/năm, nhưng kết quả công tác THADS năm 2023, thi hành xong về việc đứng đầu khu vực 13 tỉnh miền tây Nam bộ, đứng hàng thứ 25 so với toàn quốc; về tiền đứng hàng thứ 02 khu vực 13 tỉnh miền tây Nam bộ, đứng hàng thứ 18 so với toàn quốc; kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong THADS đảm bảo đúng hạn hơn 4.000 hồ sơ. Qua nắm bắt dư luận xã hội cũng như trong các hội nghị quan trọng của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thì hoạt động THADS trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây ngày càng minh bạch, thông tin, báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh; linh hoạt thích ứng trong công tác, thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp trong hoạt động THADS. Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tuyến, cũng lưu ý đề nghị Cục THADS nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục; trong công tác phối hợp cần chủ động rà soát, sơ tổng kết để đánh giá các quy chế phối hợp, xác định trách nhiệm rõ ràng của từng cơ quan tổ chức, vận hành quy chế phối hợp phải thông suốt, hiệu quả; đánh giá cụ thể tình hình, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan THADS trong tỉnh hiện nay, để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đảm bảo chất lượng, số lượng; thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu trong việc chuyển đổi số; thực hiện tốt việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động THADS; bám sát cơ chế, các văn bản chỉ đạo về công tác THADS, theo dõi THADS của Trung ương và của địa phương (cụ thể là Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 22/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, hành chính; Thông báo số 425-TB/VPTU ngày 29/3/2022 của Văn phòng Tỉnh uỷ về thông báo ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU) để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc; phối hợp tốt với MTTQ và các đoàn thể ở địa phương thực hiện tốt việc vận động, thiết phục đương sự tự nguyện thi hành án, thực hiện hiệu quả “dân vận khéo” nhằm hạn chế phát sinh cưỡng chế THADS, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Cục THADS về xem xét hỗ trợ kinh phí trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, cũng như kinh phí hoạt động khác trong THADS; về số lượng biên chế của cơ quan THADS phải tương xứng với Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Cục THADS và các Chi cục THADS trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, cũng như chia sẻ những khó khăn trong công tác THADS, theo dõi THAHC trên địa bàn; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Cục THADS. Đồng thời đề nghị lãnh đạo đơn vị trong thời gian tới tiếp tục sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả công tác THADS, theo dõi THAHC trên địa bàn. Phát huy vai trò tham mưu giúp Ban Chỉ đạo THADS Tỉnh thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, để tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thực thi nhiệm vụ. Cần xây dựng kế hoạch, lộ trình để khắc phục các tồn tại hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, nhất là án 2015, án 2018 mà HĐND Tỉnh đã kiến nghị, cũng như loại vụ việc có điều kiện thi hành đã ra quyết định trên 01 năm chưa thi hành xong. Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng chất lượng đội ngũ công chức, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đặc biệt là đối với đội ngũ Chấp hành viên để nâng cao trách nhiệm khi được phân công thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ việc thi hành án. Đồng thời tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, phối hợp để nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về công tác THADS, theo dõi THAHC trên địa bàn tỉnh./.
Phan Thanh Việt - Văn phòng Cục THADS