Sign In

VƯỢT KHÓ TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

14/06/2021

VƯỢT KHÓ TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

 
      Nỗi trăn trở của chấp hành viên
      Để công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt các chỉ tiêu được giao, vai trò và sự đóng góp của đội ngũ Chấp hành viên là rất lớn. Bên cạnh sự nỗ lực trong công việc, các Chấp hành viên còn có nhiều trăn trở, nỗi niềm riêng mà không phải ai thấu hiểu.
LUÔN NỖ LỰC
      Ngồi trong phòng làm việc, miệt mài nghiên cứu hồ sơ các vụ án để chỉ đạo xử lý, đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ia Pa mở đầu câu chuyện bằng sự quyết tâm: “Những năm gần đây, lượng án thụ lý thi hành mỗi năm mỗi tăng, đặc biệt là án liên quan đến tín dụng ngân hàng. Do đó, đòi hỏi mỗi chấp hành viên phải nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao”, trong số hai chấp hành viên, đồng chí Phó Chi cục trưởng là người được giao giải quyết với lượng án nhiều hơn, do đó đồng chí luôn phải nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ, đồng chí chấp hành viên chia sẻ “khi được phân công triển khai tổ chức thi hành quyết định thi hành án, nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy án có điều kiện thi hành, tôi mừng lắm và gần như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng thi hành xong vụ việc, góp phần đảm bảo quyền và lợi hợp pháp cho người được thi hành án và hoàn thành tốt chỉ tiêu của Ngành, đơn vị giao”. Đó là những đánh giá mà đồng chí Bí thư Chi bộ nêu lại tại cuộc họp Chi bộ thường kỳ của tháng, nhằm biểu dương tinh thần làm việc của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án huyện.
      Trung bình mỗi chấp hành viên trong đơn vị Thi hành án dân sự huyện Ia Pa thụ lý hơn 200 vụ việc/năm. Những năm gần đây, số vụ việc thụ lý thi hành có chiều hướng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi biên chế ngành Thi hành án dân sự không tăng và có chiều hướng tinh giảm, nên các chấp hành viên nhiều khi quá tải trong công việc. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm cùng nhiều nỗ lực, hầu hết chấp hành viên đơn vị đều đã thực hiện đạt chỉ tiêu, góp một phần vào thành tích chung của ngành Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, hoàn thành các chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
      Tổng hợp số liệu giai đoạn từ năm 2015-2020, đơn vị đã tổ chức thi hành đạt và vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền, cụ thể: Tổng số việc đơn vị thụ lý và đưa ra thi hành là 1329 việc, trong đó số việc năm trước chuyển sang là 55 việc, thụ lý mới 1274 việc. Đơn vị đã thi hành xong 1174/1254 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 93,62%. Số việc chuyển kỳ sau 128 việc (trong đó số việc thi hành dở dang 37 việc, số việc chưa có điều kiện thi hành 91 việc). Tương ứng với số việc, tổng số tiền phải thu là 14 tỷ 379 triệu 921 nghìn đồng, trong đó số tiền năm trước chuyển qua là 991 triệu 269 nghìn đồng, thụ lý mới 13 tỷ 566 triệu 652 nghìn đồng, đơn vị đã thu cho nhà nước, tổ chức xã hội và công dân là 5 tỷ 968 triệu 476 nghìn/7 tỷ 495 triệu 451 nghìn đồng có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 79,62%.
      Với thành tích trên, trong nhiều năm từ năm 2015 đến năm 2020, năm nào đơn vị cũng được Lãnh đạo Ngành cấp trên biểu dương, khen thưởng.
ÁP LỰC TỪ NHIỀU PHÍA
      Nhiều người thường nghĩ rằng, cơ quan Thi hành án thi hành khi bản án của Tòa án có hiệu lực, chấp hành viên chỉ cần căn cứ nội dung bản án sau đó tổ chức thi hành là xong. Thế nhưng thực tế thi hành một bản án không hề đơn giản và dễ dàng. Thực tế, công việc của chấp hành viên cũng lắm vất vả và áp lực. Để tổ chức thi xong một bản án, chấp hành viên phải tốn nhiều thời gian, công sức và cả quá trình lao động thật sự nghiêm túc. Tại các buổi trao đổi nghiệp vụ và họp cơ quan, đồng chí Chi cục trưởng thường xuyên quán triệt và yêu cầu Chấp hành viên: Trong quá trình tổ chức thi hành bản án, yêu cầu phải thực hiện các thủ tục chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, không được sơ suất. Nếu Chấp hành viên để xẩy ra sai sót bị kiện cáo, bồi thường thì chấp hành viên phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật, trường hợp nghiêm trọng có thể bị khởi tố hình sự, do đó Chấp hành viên phải hết sức lưu ý. Nhiều vụ việc, do đương sự không tự nguyện thi hành án nên chấp hành viên đi lại, tới lui nhiều lần, tốn công sức để thuyết phục. Trong quá trình thuyết phục, Chấp hành viên luôn cố gắng giải thích cặn kẽ, kiên trì thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để đạt kết quả tốt, đôi khi chấp hành viên còn phải nhẫn nhịn để giải quyết vụ việc đạt hiệu quả.
      Thường giai đoạn tổ chức thi hành án rất dễ xẩy ra mâu thuẫn vì trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án. Chấp hành viên là người trực tiếp động trạm đến tài sản, quyền và lợi ích của người phải thi hành án nên ít được những người này đón tiếp với thái độ vui vẻ. Không ít người gọi đội ngũ cán bộ thi hành án là những người “đòi nợ mướn” hoặc “đòi nợ thuê”. Khi tổ chức thi hành bản án, chấp hành viên như đứng trước giữa “hai làn đạn”. Bên được thi hành án thì hối thúc giải quyết nhanh. Nhiều trường hợp bên phải thi hành án cố tình trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ thi hành án, thậm chí chống đối quyết liệt để giữ lại tài sản. Khi chấp hành viên quyết liệt tổ chức thi hành án, có người trường hợp bên phải thi hành án cho rằng đã “ăn tiền bên kia”, hoặc cho rằng “có vấn đề”. Áp lực từ thực hiện các chỉ tiêu được giao và từ các đương sự, nếu không đủ bản lĩnh, năng lực thì chấp hành viên khó có thể bám trụ được với nghề. Tuy nhiên, suy nghĩ lại thì “Nghề nào cũng có cái khó riêng”. Vì vậy, Chấp hành viên phải cố gắng vượt khó, lấy lòng yêu nghề làm động lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỚ ĐỜI
      Một lần, đến vận động đương sự tự nguyện thi hành án theo bản án tuyên. Thấy Chấp hành viên mới đến trước cửa nhà, người phải thi hành án lập tức tỏ thái độ nóng giận, chưởi bới. Những câu chuyện tương tự như vậy không còn xa lạ đối với các chấp hành viên, rất nhiều đương sự có hành vi chống đối quyết liệt, chửi như “tát nước vào mặt”, thậm chí sẵn sàng dùng hung khí hăm dọa khi chấp hành viên đến vận động, thuyết phục hoặc đến kê biên tài sản thi hành án. Một vài vụ việc, khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, đương sự nằm lăn lộn ra đất ăn vạ, đòi tự sát, thậm chí “thoát y” ngay giữa đám đông để gây áp lực cho lực lượng làm công tác cưỡng chế. Thật vậy, “Có lần tổ chức thi hành án, chấp hành viên bị một đương sự dùng hunh khí phóng thẳng vào người, nhưng rất may không trúng. Không ít trường hợp, biết tin hôm trước có đoàn đến cưỡng chế thi hành án, đương sự gọi điện hăm doạ đòi đánh. Có khi, cả gia đình đương kéo đến trụ sở cơ quan thi hành án la hét, chưởi bới vì cho rằng tổ chức thi hành án không khách quan, dù cơ quan Thi hành án làm đúng theo pháp luật”.
      Nhiều năm làm trong ngành Thi hành án dân sự, tổ chức thi hành biết bao bản án, các đồng chí Chấp hành viên đơn vị trăn trở với những lần tổ chức thi hành án về giao con. Mỗi khi cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương đến nhà vận động, thuyết phục hoặc cưỡng chế thi hành án giao con, cha hoặc mẹ đứa trẻ thường đưa trẻ trốn đi nơi khác hoặc giằng co không chịu giao con khiến việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn. “Có trường hợp người cha kề kéo vào cổ đứa con để uy hiếp lực lượng cưỡng chế. Để đảm bảo an toàn cho đứa trẻ, chấp hành viên phải quay sang vận động người được thi hành làm đơn không yêu cầu thi hành án nữa”, đó là tâm sự của chấp hành viên.
      Bên tách trà nóng, tiếp tục những câu chuyện nhớ đời cùng những cảm xúc của các chấp hành viên đã trải qua, đồng chí Chi cục trưởng chia sẻ, những lần thi hành án giao con cho cha theo đúng bản án, nhưng đứa trẻ nhất quyết đòi ở lại với mẹ, chứng kiến tình mẫu tử bị chia cắt, chấp hành viên cảm thấy chạnh lòng. Dù là làm việc độc lập, tuân thủ đúng pháp luật nhưng có những lúc chấp hành viên vẫn cảm thấy “day dứt” khi chứng kiến người phải thi hành án hết tài sản sau khi đã thi hành án. Mỗi khi chuẩn bị cưỡng chế thi hành án, chấp hành viên trằn trọc, lo lắng đến không ngủ được…
      Hiện vẫn còn nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, khó thi hành đang làm khó những người trong ngành Thi hành án dân sự và một số ngành liên quan. Hơn ai hết, các chấp hành viên phải nỗ lực không ngừng để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao./.


Theo Nguyễn Văn Chính - Chi Cục IaPa

Các tin đã đưa ngày: