Sign In

Vướng mắc, khó khăn trong việc xác định, phân loại án đối với một số vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng

06/05/2020

         
Theo báo cáo thống kê thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, số việc liên quan đến tín dụng ngân hàng phải thụ lý giải quyết là 589 việc, tương ứng với số tiền là 772.360.570 ngàn đồng (chiếm 5,18% về việc và 49,76% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết trong toàn tỉnh); kết quả đã giải quyết xong 26 việc, số tiền thu được là 76.657.638 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 4,41% về việc và 9,93% về tiền.
             Từ số liệu trên cho thấy: Kết quả giải quyết đối với những vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai chiếm tỉ lệ rất thấp. Ngoài những ra nguyên nhân được chỉ ra như: Tài sản thế chấp đảm bảo có tranh chấp đang chờ kết quả giải quyết của Tòa án; giá trị tài sản thế chấp thời điểm xử lý không còn phù hợp; tài sản đảm bảo kê biên bán đấu giá đã giảm giá nhiều lần nhưng không bán được..., thì còn có nguyên nhân đó là: Một số vụ việc thi hành án xác định tài sản đang thế chấp đảm bảo tại Ngân hàng để xử lý, kê biên thi hành án rất khó khăn do tài sản không có hoặc không tồn tại trên thực tế, cụ thể như: Tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại Ngân hàng nhưng xác minh trên thực địa không thể xác định được (do đất được cấp có sự chồng lấn về vị trí) hoặc đối với tài sản là xe ôtô Ngân hàng đang nhận cầm cố, thế chấp giấy chứng nhận đăng ký xe nhưng tài sản (xe) không tồn tại ở địa bàn, chủ sở hữu (người cầm cố, thế chấp tài sản) không còn quản lý, sử dụng trên thực tế nên không xác định được vị trí cụ thể, từ đó Chấp hành viên không thể thực hiện việc xử lý, kê biên tài sản để giải quyết THA, dẫn đến một số vụ việc tồn đọng, khó thi hành, ảnh hưởng đến kết quả thi hành đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, việc xác định, phân loại án có điều kiện hoặc chưa có điều kiện thi hành đối với những vụ việc thuộc những trường hợp nêu trên rất khó khăn, bất cập do chưa thật sự đảm bảo phù hợp với qui định pháp luật. Chính từ đó, giữa cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan Viện kiểm sát địa phương đã có quan điểm khác nhau trong việc áp dụng qui định pháp luật về thi hành án dân sự để xác định, phân loại án chưa có điều kiện và có điều kiện thi hành đối với một số vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Đơn cử 02 trường hợp cụ thể dưới đây:
              Trường hợp 1: Tổ chức thi hành Bản án số 37/2010/KDTM-ST ngày 22/12/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định thi hành án số 20/QĐ-CTHADS ngày 18/10/2018 buộc bà Lê Thị Kim A – Địa chỉ: Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai phải thanh toán khoản nợ vay còn lại cho Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn số tiền 3.171.279.940 và tiền lãi suất phát sinh theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất có diện tích 1040m2 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai theo Giấy chứng nhận số K 703090 do UBND thành phố Pleiku cấp ngày 05/9/2000 đứng tên bà Lê Thị Kim A.
          Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng chuyên môn để xác minh tài sản là quyền sử dụng đất của bà Lê Thị Kim A làm cơ sở kê biên, xử lý nhằm giải quyết nghĩa vụ thi hành án nêu trên. Kết quả xác minh thi hành án cho thấy: Theo cung cấp của các cơ quan chuyên môn (Chi nhánh Văn phòng đăng lý đất đai; Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku) thì về lý thuyết, chiều rộng lô đất của bà Lê Thị Kim A là 16m nhưng theo bản đồ địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Pleiku chỉnh lý trong quá trình giải quyết hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chiều rộng mặt đường của lô đất chỉ còn 8,71m, chiều rộng phía sau chỉ còn 2,73m. Tuy nhiên, qua công tác xác minh, đo đạt, định vị, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn không thể chỉ ra vị trí của thửa đất, không xác định được tứ cận trên thực địa do có sự chồng lấn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có nhiều Văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Pleiku chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ liền kề với lô đất của bà Lê Thị Kim A làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định, nhưng đến nay (sau 03 lần ban hành Công văn đề nghị), Chủ tịch UBND TP Pleiku vẫn chưa có văn bản trả lời. Như vậy, về lý thuyết thì bà Lê Thị Kim A có tài sản (là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng) nhưng trên thực tế không xác định được tài sản, tức là hiện tại không có tài sản, nên người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. Vì vậy, dựa vào kết quả xác minh của Chấp hành viên và căn cứ điểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-CTHADS ngày 25/6/2019 về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với bà Lê Thị Kim A là phù hợp với điều kiện thực tế.
              Tuy nhiên, theo quan điểm của cơ quan Viện kiểm sát thì cho rằng: Việc cơ quan Thi hành án dân sự xác định và ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với bà Lê Thị Kim A là chưa đúng qui định, bởi lẽ: Quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận số K 703090 do UBND thành phố Pleiku cấp ngày 05/9/2000 của bà Lê Thị Kim A đang thế chấp tại Ngân hàng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của những hộ khác chồng lấn lên đất của bà Kim A hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lê Thị Kim A vẫn có giá trị pháp lý và thực tế xác minh theo bản đồ địa chính thì chiều rộng mặt đường vẫn còn 8,71 m và chiều rộng phía sau là 2,73 m. Như vậy, về mặt pháp lý và thực tế xác minh thì hiện bà Lê Thị Kim A vẫn đang có tài sản. Vì vậy, cơ quan Viện kiểm sát có kiến nghị, yêu cầu Cục Thi hành án dân sự thu hồi quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc theo qui định pháp luật.
             Trường hợp 2: Căn cứ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 17/2017/QĐST-KDTM ngày 17/7/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku và quyết định ủy thác số 20/QĐ-CCTHADS ngày 04/01/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ia Pa đã ban hành quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 64/QĐ-CCTHADS ngày 10/01/2018 buộc ông Trịnh Hoài N và bà Lương Thị H, cùng trú tại: thôn 3, xã Kim Tân, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai phải thi hành khoản nợ vay cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng với số tiền là 721.511.537 đồng và lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Tài sản đảm bảo thế chấp là giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô con 05 chỗ, nhãn hiệu MAZDA mang biển số 81A - 06523 đứng tên ông Trịnh Hoài N. Quá trình thi hành án, do bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành nên bên được thi hành án đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ia Pa  kê biên, xử lý tài sản đảm bảo thế chấp (xe ô tô) để giải quyết khoản nợ trên. Tuy nhiên, khi thực hiện xác minh tài sản thế chấp để tiến hành kê biên xử lý thì người phải thi hành án không còn quản lý, sử dụng tài sản nêu trên và Chấp hành viên không thể xác định được tài sản hiện đang ở đâu do người phải thi hành án luôn tìm cách né tránh, không hợp tác với cơ quan thi hành án. Đối với Ngân hàng nhận thế chấp tài sản cũng không xác định được địa điểm, vị trí cụ thể tài sản (xe ô tô), từ đó Chấp hành viên Chi cục Thi hành án huyên Ia Pa không thể thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản đảm bảo để giải quyết thi hành án. Căn cứ kết quả xác minh thi hành án với nội dung không xác định được tài sản thế chấp đảm bảo, Chi cục Thi hành án huyện Ia Pa đã ban hành quyết định số 06/QĐ-CCTHADS ngày 21/6/2018 về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với ông N, bà H. Từ đó đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ia Pa tiếp tục thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án theo qui định, nhưng vẫn không xác định được tài sản. Đối với Ngân hàng nhận cầm cố, thế chấp tài sản cũng không chứng minh được việc tồn tại tài sản do mình quản lý, nên Chấp hành viên không thể thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp, vì vậy vụ việc hiện nay vẫn còn tồn đọng, chưa giải quyết dứt điểm.
            Từ nội dung giải quyết việc thi hành án cho thấy: Cơ quan Thi hành án dân sự đã vận dụng tình huống thực tế để xác định, phân loại án đối với những trường hợp trên là việc chưa có điều kiện thi hành án, tuy nhiên theo qui định pháp luật thi hành án dân sự thì vẫn còn bất cập, chưa thực sự đảm bảo phù hợp, Bởi vì:
 Theo qui định tại khoản 6, Điều 3 Luật Thi hành án dân sự: “ Có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án”. Và theo điểm a, khoản 1 Điều 44a  Luật Thi hành án dân sự về xác định việc chưa có điều kiện thi hành: “a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án…”
            Căn cứ các qui định nêu trên của Luật Thi hành án dân sự cho thấy: Một trong những yếu tố (điều kiện) cơ bản để xác định việc có điều kiện hoặc chưa có điều kiện thi hành án đó là người phải THA có tài sản hoặc không có tài để thi hành án. Tuy nhiên, theo nội dung giải quyết của các vụ việc thi hành án như đã nêu trên, thì người phải THA có tài sản và tài sản được thế chấp tại Ngân hàng bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe nhưng tài sản không xác định được và không tồn tại trên thực tế, nên Chấp hành viên không thể tiến hành kê biên, xử lý để giải quyết thi hành án. Vì vậy, việc xác định việc chưa có điều kiện đối với những trường hợp trên là phù hợp với tình huống thực tế nội dung giải quyết thi hành án. Song, đối với những trường hợp trên, sau khi đã phân loại án chưa có điều kiện thi hành, Chấp hành viên cần phải tiếp tục tổ chức xác minh điều kiện thi hành án theo đúng qui định theo khoản 2, Điều 44 của Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, đối với người được thi hành án là các tổ chức tín dụng ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc xác minh, cung cấp điều kiện thi hành án đối với tài sản đã thế chấp đảm bảo. Vì việc quản lý tài sản đảm bảo trong giai đoạn nhận thế chấp là thuộc trách nhiệm của tổ chức tín dụng ngân hàng, nên phải có trách nhiệm trong việc xác minh, xác định cụ thể tài sản thế chấp đảm bảo đang do  mình quản lý để làm cơ sở cho cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của tổ chức tín dụng ngân hàng theo qui định.
Nguyễn Hữu ĐứcPhó trưởng Phòng Kiểm tra GQKNTC
 
 
 
 

Các tin đã đưa ngày: