Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với những vụ việc có điều kiện nhưng đương sự không tự nguyện thi hành.
Mới đây, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành đã lập kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên tài sản là nhà, đất đối với ông Trần Thái Thành, bà Lê Thị Thắm, địa chỉ: Đường 20/9, khu Tân Phú, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Theo nội dung Bản án và Quyết định thi hành án thì ông Trần Thái Thành, bà Lê Thị Thắm phải trả cho ông Trần Văn Biển và bà Nguyễn Thị Miên số tiền nợ gốc là 150.000.000 đồng và tổng số tiền lãi là 92.586.986 đồng. Tổng cộng gốc và lãi theo bản án là: 242.587.000 đồng (làm tròn số).
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã thụ lý và tổ chức thi hành bản án theo đơn yêu cầu kể từ tháng 7 năm 2016 đến nay. Quá trình tổ chức thi hành án bản án, Chấp hành viên đã tiến hành đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án cho ông Thành, bà Thắm được biết.
Chấp hành viên phối hợp với các Cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương thị trấn Phú Thái đã tiến hành động viên, thuyết phục nhiều lần nhưng ông Thành, bà Thắm vẫn cố tình không thi hành dứt điểm bản án theo yêu cầu của Cơ quan Thi hành án dân sự huyện.
Trong quá trình tổ chức thi hành bản án trước khi có kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành đã 3 lần tổ chức cho các bên đương sự thỏa thuận để tìm ra biện pháp thi hành nhưng đều không đạt kết quả. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tính nghiêm minh của pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với ông Trần Thái Thành và bà Lê Thị Thắm.
Tuy nhiên, trước ngày tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã phối hợp tốt với lực lượng Công an, chính quyền thị trấn Phú Thái tiếp tục vận động, thuyết phục, hòa giải giữa các bên đương sự để tìm ra biện pháp thi hành phù hợp. Kết quả nhờ có sự vận động, thuyết phục, hòa giải mà vụ việc đã được thi hành dứt điểm, không cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Với sự nỗ lực, khéo léo, kiên trì của Chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành trong công tác vận động, thuyết phục, hòa giải đã làm thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự không chỉ giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn đem lại hiệu ứng xã hội, góp phần quan trọng bảo vệ cán cân pháp luật, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn huyện.
Bài học rút ra từ vụ việc trên: Nếu làm tốt công tác vận động, hòa giải không những giúp các bên đương sự giữ được mối quan hệ tình cảm làng xóm, mà việc thi hành án được giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian, đỡ tốn kém về công sức tổ chức thi hành, đồng thời bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Hồ Đình Nam – Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Kim Thành