Sign In

Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội”

26/03/2018

Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội”
Sáng 21/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội”
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP; Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP; Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP và các vị đại biểu Quốc hội, đại diện các đơn vị liên quan. Về phía Cục Thi hành án dân sự Thành phố có đồng chí Lê Quang Tiến, Cục trưởng, đồng chí Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai, trong những năm qua, hệ thống các cơ quan thi hành án và quản lý thi hành án hình sự, dân sự, hành chính tiếp tục được kiện toàn theo hướng xác định rõ hơn nội dung quản lý nhà nước, mô hình tổ chức, bộ máy, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong lĩnh vực thi hành án. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực thi hành án cũng còn bộc lộ những hạn chế, vì vậy, Đoàn ĐBQH TP cần lắng nghe ý kiến về những bất cập, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện luật và các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực này, nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và hình sự trên địa bàn thành phố.

 
 
 Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP
phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất tâm huyết, thiết thực và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Đồng chí Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội đã nêu những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự như: Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định chưa hợp lý gây nên những khó khăn trong thực tiễn hoạt động của cơ quan thi hành án; án kinh doanh thương mại tăng nhiều, khó khăn vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp; khó khăn trong việc giao tài sản đã bán đấu giá thành, hầu hết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vì tài sản bán đấu giá là tài sản vẫn do người phải thi hành án hoặc do người thứ ba quản lý và là chỗ ở duy nhất của người có tài sản; nhiều quy định về thống kê hiện nay không hợp lý, không phản ánh đúng tình hình thực tế liên quan đến bản chất thực của công tác thi hành án; có rất nhiều vụ việc, giá trị thực cả tài sản bảo đảm, hoặc tiền, tài sản mà cơ quan THADS kê biên, xử lý để thi hành án chỉ có giá trị rất nhỏ so với số tiền phải thi hành án nhưng vẫn xác định có điều kiện thi hành dẫn đến báo cáo thống kê phản ánh không đúng thực tế số tiền có điều kiện thi hành án; cơ chế xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án còn nhiều vướng mắc, việc tồn trên 10 năm (kể từ ngày ra quyết định thi hành án), mặc dù theo quy định hiện nay loại việc này được tính là việc chưa có điều kiện thi hành án nhưng loại việc này tồn đọng kéo dài do người phải thi hành án chưa có điều kiện để nộp một phần khoản tiền thi hành án để có điều kiện xét miễn, giảm, Chấp hành viên vẫn phải theo dõi, xác minh định kỳ... Đề nghị cần có chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất phức tạp của công việc thi hành án dân sự nhằm thu hút được người có năng lực vào làm việc trong cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, có chế độ phụ cấp đối với công chức chưa được hưởng phụ cấp đặc thù như chuyên viên, kế toán viên…
 

 
Đ/c Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục THADS TP phát biểu tại Hội Nghị

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về tổ chức, hoạt động Thừa phát lại để thay thế 2 nghị định ban hành trong thời kỳ thí điểm để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thừa phát lại, triển khai đồng bộ, hiệu quả chế định thừa phát lại trên địa bàn thành phố.
Theo đại diện Tòa án Nhân dân thành phố, hiện nay, trong quá trình thực hiện các thủ tục thi hành án có các vướng mắc trong việc ủy thác thi hành án, theo dõi người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và đình chỉ thi hành án, hoãn thi hành án. Vì vậy, cần có thông tư liên tịch giữa Tòa án Nhân dân tối cao với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an để xác định từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn về ủy thác thi hành án, cần có quy định chi tiết khi ủy thác thi hành án gồm có những tài liệu nào, hay việc theo dõi người bị thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, được hoãn thi hành án, được tạm đình chỉ thi hành án phải được giao trách nhiệm cho công an cấp xã, phường chịu trách nhiệm theo dõi, định kỳ kiểm tra.

 

 
Toàn cảnh Hội Nghị

Đồng chí Phạm Quang Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Bắc Từ Liêm nêu khó khăn trong việc xác minh hồ sơ thi hành án, đặc biệt là những vụ án về kinh doanh thương mại, vì vậy cần xây dựng cơ chế trả lại đơn yêu cầu thi hành án.
Đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP nêu vấn đề: Luật Thi hành án dân sự đang có nhiều bất cập, số lượng việc và tiền tồn rất lớn, nhất là việc đấu giá tài sản của ngân hàng, án tham nhũng, án ma túy… nhưng việc xem xét giảm, xóa án rất khó. Hay việc kê biên tài sản cũng rất vướng mắc, mô hình trại giam rất cũ, bất cập. Vì vậy, cần rà soát lại toàn bộ các văn bản hướng dẫn luật, phải lắp hệ thống camera toàn bộ các phòng hỏi cung. Những bất cập trong xóa án tích, cải tạo không giam giữ, kê biên tài sản, tổ chức cưỡng chế thi hành án… phải được sửa trong luật, hoặc có văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công việc thi hành án dân sự rất lớn, cán bộ rất nỗ lực, thành phố quan tâm chỉ đạo nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao. Vấn đề đặt ra là luật đã thực sự đi vào cuộc sống hay chưa, có gì bất cập cần phải sửa đổi, vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP lựa chọn nội dung này để tiếp xúc cử tri là hoàn toàn đúng đắn. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH TP nghiên cứu, phân loại chuyển từng cấp, từng ngành xem xét giải quyết, đồng thời, gửi toàn bộ các vị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để nghiên cứu.
Đối với các kiến nghị của thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc giao UBND TP rà soát lại các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đánh giá những nơi làm tốt, chưa tốt. Đồng thời, UBND TP chỉ đạo tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về các văn bản, lĩnh vực thi hành án để người dân thực hiện nghiêm túc, hướng tới tất cả phải thực hiện theo luật./
Nguyễn Thị Ngân

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: