Hiện nay, công nghệ thông tin đã dần trở thành công cụ không thể thiếu trong công việc hàng ngày của cán bộ, công chức tại Tổng cục Thi hành án dân sự nói chung và các cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng, nhằm giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo ra phương thức làm việc mới, tạo cơ sở thuận lợi cho công tác hiện đại hóa hoạt động quản lý hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, giảm tải các cuộc họp trực tiếp, tiết kiệm ngân sách là xu hướng tất yếu. Với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay cả về hạ tầng và tư duy chỉ đạo, việc đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến chuyên nghiệp hơn cần tiếp tục được phát huy để các cuộc họp không chỉ giảm về lượng mà sẽ tăng về chất đáp ứng mục tiêu đặt ra. Từ đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid đã và đang ảnh hưởng nặng nề, các Bộ, ngành, địa phương giảm việc hội họp trực tiếp, cắt giảm các đợt công tác địa phương... dẫn đến nhu cầu sử dụng các hội nghị trực tuyến tăng cao. Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, một số địa phương phải thực hiện giãn cách nên không tổ chức được các đoàn đi công tác địa phương nhưng hệ thống vẫn phải hoạt động thường xuyên.
Thực hiện các Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Hệ thống Thi hành án dân sự. Thời gian qua, Hệ thống THADS đã đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống giao ban trực tuyến 64 điểm cầu (Tổng cục THADS và 63 Cục THADS). Qua quản lý, sử dụng hệ thống cho thấy tính tiện ích, kịp thời, tiết kiệm khi cần tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến 64 điểm cầu, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong THADS thời gian qua. Tuy nhiên, do hệ thống mới triển khai đến các Cục THADS địa phương, trong khi nhiều đơn vị Chi cục THADS ở xa trung tâm thủ phủ của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương việc di chuyển đi lại còn gặp nhiều khó khăn (có những đơn vị ở xa hàng trăm km); bên cạnh đó phòng họp trực tuyến của các Cục THADS thường có sức chứa giới hạn (khoảng từ 30 đến 50 người), màn hình và hệ thống âm thanh cũng không đáp ứng trong trường hợp nếu số lượng triệu tập vượt quá sẽ không đảm bảo... Với khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, để kịp thời chỉ đạo điều hành công tác THADS, ngoài các cuộc họp hội nghị tổ chức từ Tổng cục, triệu tập các thành phần ở Cục và các Chi cục THADS trực thuộc thì Cục THADS cũng cần tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong THADS với các Chi cục THADS trực thuộc hoặc họp trực tuyến với các cơ quan ban ngành của địa phương nhằm kịp thời phối hợp, chỉ đạo công tác THADS được hiệu quản.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ứng dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã dần trở thành xu hướng tất yếu nhằm đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, từ đó thay đổi phương thức học tập, làm việc dựa trên sự phát triển của công nghệ, giúp cho hoạt động chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn mà hệ thống này đem lại như: Hạn chế tập trung đông người ở cùng một thời điểm; tiết kiệm chi phí tổ chức, đi lại; không giới hạn không gian và thời gian; giúp việc tổ chức được thiết lập nhanh chóng, dễ dàng, đáp ứng công tác xử lý tình huống khẩn cấp… Các cán bộ, công chức giờ đây đã dần hình thành thói quen học tập, làm việc trực tuyến. Đây cũng là phương thức đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong công tác triển khai phòng chống dịch. Tuy nhiên, để hệ thống hội nghị truyền hình không chỉ là công cụ mà thực sự trở thành cầu nối hiệu quả đưa tiếng nói của cấp ủy đảng, chính quyền đến với địa phương, thời gian tới Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trong giải quyết công việc. Với vai trò là cơ quan đứng đầu, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ triển khai đồng bộ hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp Chi cục THADS, hướng dẫn, hỗ trợ các Cục THADS thiết lập, hoàn thiện hệ thống đảm bảo thông suốt. Đồng thời, khuyến cáo các cơ quan THADS địa phương thường xuyên nâng cấp đường truyền, phối hợp với Tổng cục THADS bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng đường truyền cho hệ thống, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Để giảm tải số lượng các cuộc hội họp theo phương thức truyền thống, nâng cao chất lượng hội nghị trực tuyến để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần cải cách hành chính nhưng vẫn phải bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành cũng như hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành và các cơ quan Thi hành án dân sự, việc triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến các Chi cục THADS là cần thiết, cần được triển khai sớm, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian đi lại, phục vụ tốt hơn công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phục vụ tốt công tác trao đổi, đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ... nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự của Hệ thống THADS.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc triển khai đầu tư hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp Chi cục trong Hệ thống THADS để tổ chức các cuộc họp trực tuyến trở thành phương thức vô cùng hiệu quả. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng việc quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến còn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo công tác phòng, chống dịch Ccovid - 19, tạo cầu nối vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa tiếng nói của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, từ tỉnh tới cơ sở.
Việc triển khai đồng bộ hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến còn góp phần đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì tốt trạng thái “bình thường mới”. Thông qua việc tổ chức các cuộc họp bằng hình thức trực tuyến, toàn bộ quy trình quản lý và xử lý công việc cũng được công khai minh bạch, từ đó tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.