Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Thái nêu rõ, thi hành án hành chính là trách nhiệm tự thi hành của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, mà chủ yếu là UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Qua theo dõi chung, Bộ Tư pháp nhận thấy, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về công tác thi hành án hành chính tại Công văn số 8665/VPCP-V.I ngày 26/11/2021 của Văn phòng Chính phủ. Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt chung đối với công tác thi hành án hành chính cũng như đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án hành chính đối với từng bản án trên địa bàn; kịp thời giao Sở Tư pháp tỉnh là đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác thi hành án hành chính, nhờ đó công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định, nhận thức của cán bộ và Nhân dân về công tác thi hành án hành chính ngày càng đầy đủ, một số vụ việc đã tổ chức thi hành xong hoặc có hướng để tổ chức thi hành xong. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn 39 bản án hành chính chưa được tổ chức thi hành dứt điểm, nhiều bản án có hiệu lực thi hành từ năm 2016, 2017, Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Vì vậy, Bộ Tư pháp tổ chức làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang với mục đích rà soát, làm rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến bản án chưa thi hành án xong, từ đó thống nhất nhận thức, đề ra giải pháp để tổ chức thi hành dứt điểm bản án.
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Quang Thái đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, quán triệt UBND cấp dưới và các sở, ban, ngành có liên quan chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, cung cấp tài liệu, chứng cứ đầy đủ để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng với bản chất vụ việc; khi bản án có hiệu lực thi hành, về nguyên tắc bản án phải được thi hành nghiêm, cơ quan hành chính nhà nước là bên phải thi hành án càng phải gương mẫu, nghiêm túc trong việc chấp hành án hành chính theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Đồng chí Nguyễn Quang Thái cơ bản thống nhất với kết quả rà soát về tình hình và kết quả thi hành án hành chính trên địa bàn; ghi nhận lộ trình, tiến độ và kế hoạch giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể đến nay chưa được tổ chức thi hành xong đã được người phải thi hành án là UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nêu ra tại cuộc họp ngày hôm nay.
Đối với 05 bản án giữa UBND thành phố Phú Quốc và Cục THADS tỉnh Kiên Giang còn có quan điểm khác nhau về việc xác định thời điểm kết thúc việc thi hành án, đồng chí Nguyễn Quang Thái giao Cục THADS tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND thành phố Phú Quốc, đơn vị chuyên môn của Tổng cục THADS và các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác định kết quả thi hành án hành chính (đã thi hành xong hay chưa thi hành xong) đối với 05 bản án này theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các bản án hành chính còn lại, đồng chí Nguyễn Quang Thái đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm, chỉ đạo rà soát, tổng hợp lại các bản án hành chính theo từng nhóm vụ việc nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết, chỉ đạo giải quyết, theo hướng từng nhóm vụ việc cụ thể như sau: nhóm vụ việc có thể giải quyết ngay, đơn cử như các vụ việc liên quan đến việc người phải thi hành án phải ban hành lại quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối với nhóm này người phải thi hành án cần khẩn trương tổ chức thi hành án ngay vì quy trình, trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định rõ; nhóm có thể giải quyết nhưng cần nhiều thời gian hơn, đơn cử như các vụ việc liên quan đến việc người phải thi hành án phải thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng…, đối với nhóm này, trước hết người phải thi hành án phải làm hết trách nhiệm, thực hiện hết nhiệm vụ, công vụ theo quy định, bảo đảm đã thực hiện đúng, thực hiện hết các bước theo trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định; nhóm có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành trên thực tế, đối với nhóm này căn cứ vào nội dung vụ việc và nội dung phải thi hành án hành chính, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang kịp thời báo cáo, xin hướng dẫn cơ quan, cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết nhằm tránh nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước do chậm thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Về phía Bộ Tư pháp, sẽ phối hợp, hỗ trợ địa phương trong việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chung, khó khăn, vướng mắc cụ thể trong từng vụ việc (nếu có), góp phần cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự chuyển biến về kết quả thi hành án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự