Hội nghị đánh giá tình hình 14 năm thi hành và đề xuất định hướng sửa đổi Luật Thi hành án dân sự trong nội bộ Hệ thống thi hành án dân sự

21/12/2022
Để có cơ sở đánh giá toàn diện, chính xác tình hình kết quả 14 năm triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự, căn cứ Kế hoạch tổng kết Luật Thi hành án dân sự (được ban hành kèm theo Quyết định số 486/QĐ-TCTHADS ngày 14/6/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự), sáng ngày 20/12 Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 14 năm thi hành và đề xuất định hướng sửa đổi Luật Thi hành án dân sự trong nội bộ Hệ thống thi hành án dân sự (THADS).
 

Hội nghị do Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn đồng chủ trì, với sự tham dự của đ/c Nguyễn Kim Sáu - Vụ trưởng Vụ 11- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Lãnh đạo Khoa đào tạo các chức danh Thi hành án dân sự - Học Viện tư pháp; Lãnh đạo Khoa Pháp luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội; Lãnh đạo một số các đơn vị thuộc Bộ; Cục trưởng, Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Hội nghị được nghe báo cáo đánh giá tình hình 14 năm thi hành và đề xuất định hướng sửa đổi Luật THADs trong nội bộ Hệ thống THADS. Theo đó, báo cáo đã khái quát những ưu điểm đã đạt được trong 14 năm qua, đó là: Vị thế cơ quan THADS được nâng lên và nhận được sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp ngày càng được tăng cường và triển khai ngày càng bài bản; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan THADS ngày càng được quan tâm đúng mức; các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án được hoàn thiện theo các yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong công tác THADS, khắc phục tình trạng tồn đọng án kéo dài; kết quả THADS liên tục được nâng cao; hiệu quả hoạt động thi hành án, kỷ cương phép nước và tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền của người được thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án; chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án cũng được quan tâm đúng mức thông qua các quy định về thủ tục thi hành án, chế định Thừa phát lại... Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra các những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc như: Một số quy định của Luật THADS không còn phù hợp; thiếu nhiều quy định để giải quyết các vấn đề còn phát sinh trên thực tiễn; còn quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật THADS và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Luật Đấu giá tài sản, Luật Trọng tài thương mại, Luật Đất đai...); cơ cấu tổ chức tại một số cơ quan trong hệ thống tổ chức THADS còn chưa được sắp xếp hợp lý, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm sự an toàn cho tính mạng, sức khỏe của Chấp hành viên và gia đình trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là đối với những vụ cưỡng chế khó khăn, phức tạp; trách nhiệm và sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác THADS ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả. Đồng thời, chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế.
 
 

Tại Hội nghị được lắng nghe các tham luận, ý kiến phát biểu của Học Viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và một số Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các vấn đề được phát biểu, trình bày tại Hội nghị như vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế bảo vệ Chấp hành viên; về quyền và nghĩa vụ của đương sự; về thẩm định giá, bán đấu giá, chi phí thi hành án; biện pháp bảo đảm thi hành án; thu hồi tiền cho nhà nước trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng; xử lý tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai; thi hành án có yếu tố nước ngoài.... Đây là những vấn đề lớn, mà việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án.
 
Hội nghị cũng đã được lắng nghe ý kiến phát biểu của đ/c Nguyễn Kim Sáu - Vụ trưởng Vụ 11- VKSNDTC, đây là đơn vị có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục THADS trong những năm qua.
 
 

Kết thúc Hội nghị, đ/c Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu tại Hội nghị. Các ý kiến góp ý ngày hôm nay, sẽ góp phần không nhỏ giúp Tổng cục THADS tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Đánh giá tình hình 14 năm thi hành Luật THADS. Trên cơ sở đó, Tổng cục THADS sẽ nghiên cứu và đề xuất Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Chính phủ, Quốc hội để xây dựng Luật THADS (sửa đổi) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhất là của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, hướng tới mục tiêu hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.