Tập huấn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng, quản lý không gian mạng, an toàn thông tin trong kỷ nguyên số

29/05/2023
Trong 02 ngày 25 và 26 tháng 5 năm 2023, tại Hà Nội, Học viện Tư pháp tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng, quản lý không gian mạng, an toàn thông tin trong kỷ nguyên số cho công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có Tổng cục Thi hành án dân sự


Dự lễ khai mạc có bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; bà Bạch Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Học viện Tư pháp; Thượng tá Bùi Mạnh Tuấn - Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và 85 học viên, đa phần là cán sự làm công tác văn thư, chuyên viên kiêm nhiệm công tác văn thư tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp.
Việc tổ chức lớp công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng, quản lý không gian mạng, an toàn thông tin trong kỷ nguyên số là hoạt động thiết thực và hữu tích trong chuỗi các hoạt động quan trọng của Học viện Tư pháp trong năm 2023, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước cho công chức theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Để hội nghị đạt kết quả tốt nhất, Ban Tổ chức lớp đề nghị các học viên phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động; tập trung, nghiêm túc lắng nghe đầy đủ với tinh thần tự giác, gương mẫu; tích cực trao đổi, thảo luận; Ban Tổ chức lớp bồi dưỡng cũng thường xuyên quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chương trình, tài liệu và các điều kiện khác để tổ chức lớp bồi dưỡng theo đúng kế hoạch, tiến độ, quy định đề ra; làm đầu mối, báo cáo lãnh đạo Học viện Tư pháp xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức lớp học, bảo đảm lớp bồi dưỡng được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao nhất.
Trong quá trình tham gia lớp bồi dưỡng, công chức các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức quan trọng. Từ thực tiễn công tác bảo vệ chính trị nội bộ sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết Trung ướng 4, khóa XII, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng vẫn đứng trước một số khó khăn, thách thức do những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa được đẩy lùi; sự yếu kém, suy giảm vai trò lãnh đạo của một số tổ chức Đảng; tình trạng chủ quan, mất cảnh giác trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các Giảng viên, Báo cáo viên đến từ Cục an ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an đã chia sẻ cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đối với cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cần tham mưu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xây dựng danh mục cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật ngay sau khi Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn về khung tiêu chí cơ quan, bộ phận vị trí trọng yếu, cơ mật.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng, báo cáo viên đến từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đã nhấn mạnh cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ đối với các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương như sau: (1). Ban hành quy chế, quy định cụ thể về bảo vệ an ninh thông tin, bảo mật thông tin nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, khai thác, vận hành mạng máy tính nội bộ, máy tính kết nối Internet, đặc biệt lưu ý: KHÔNG soạn thảo, lưu trữ tài liệu MẬT trên máy tính có kết nối Internet, chỉ sử dụng máy tính không kết nối Internet, tách rời về mặt vật lý khi soạn thảo, lưu trữ tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; KHÔNG sử dụng USD, thiết bị ổ cứng rời, thẻ nhớ,… đối với các máy tính có chứa thông tin, tài liệu mật; chỉ sử dụng đĩa CD (chế độ khóa chết một lần) hoặc USB chuyên dụng có mã hóa cơ yếu để sao, chuyển tài liệu mật; (2). Thường xuyên kiểm tra, rà quét các thiết bị phần cứng, phần mềm trước khi đưa vào sử dụng hoặc tích hợp vào hệ thống mạng, nhất là mạng nội bộ (mạng LAN, mạng WAN) và hệ thống thuộc danh mục “Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”; (3). Cài đặt phần mềm diệt virus uy tín, chính thống, có bản quyền; (4). Định kỳ quét lỗ hổng bảo mật, các điểm yếu gây mất an toàn, an ninh mạng, từ đó có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời (cập nhật bản vá lỗi…); (5). Triển khai các hệ thống bảo vệ chuyên dụng (SOC, SIEM…) để giám sát, phát hiện tấn công mạng, các dấu hiệu bất thường, sự cố nguy hiểm về an ninh mạng.
Kết thúc chương tập huấn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng, quản lý không gian mạng, an toàn thông tin trong kỷ nguyên số, công chức các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự đã cơ bản nắm chắc quy định, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng, đặc biệt là những quy định mới, những nội dung còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Qua đó, các công chức sẽ đề xuất Thủ trưởng đơn vị mình tổ chức họp đơn vị để quán triệt các quy định, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước; đồng thời chia sẻ cách áp dụng, nêu lên những rủi ro, những điều cần lưu ý để thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng, an toàn thông tin trong bối cảnh không gian mạng đã trở thành kênh giao tiếp không thể thiếu trong cuộc sống và công việc ở thời đại 4.0./.
Trần Thị Thanh Trang - Vụ TCCB