Nếu như từ trước đến nay, chuyên đề về nghiệp vụ giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự luôn chỉ là một trong số nhiều chuyên đề khác của Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án mà Tổng cục tổ chức, thì đây là lần đầu tiên, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu và tập trung cho mảng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Không chỉ có sự tham gia của các đại biểu là đại diện Lãnh đạo (Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, Chi cục trưởng), lớp bồi dưỡng đã tập trung vào đối tượng là các công chức được phân công trực tiếp làm công tác tiếp dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và của chính Tổng cục Thi hành án dân sự.
Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị 12 chuyên đề với 08 nội dung lớn đã bao quát được hầu hết các vấn đề liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã chuyên sâu vào những kỹ năng cụ thể, được các báo cáo viên trình bày ngắn gọn, nhấn mạnh những điểm lưu ý, với nguyên tắc bám sát 02 mục đích mà Lãnh đạo Bộ đã đặt ra cho Lớp bồi dưỡng là: (1) đảm bảo việc áp dụng thống nhất trong toàn ngành các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và (2) nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, năng lực nghiệp vụ của cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; với yêu cầu: (1) bám sát các quy định của pháp luật, truyền đạt cụ thể các kinh nghiệm, kỹ năng, phổ biến những cách làm hiệu quả cũng như thẳng thắn chỉ ra các thiếu sót của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và (2) dành thời gian thích đáng cho việc thảo luận và giải đáp các vướng mắc từ thực tiễn của công tác này.
Con số gần một chục vấn đề vướng mắc được nêu ra tại Lớp mở tại Hải Phòng và gần 50 vấn đề được nêu ra tại Lớp mở tại Phú Yên đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt cũng như còn rất nhiều những băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Bên cạnh những vấn đề về nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, không ít trong số các vấn đề đã được đưa ra là những câu hỏi về nghiệp vụ tổ chức thi hành án, cho thấy sự khó khăn, lo lắng, vất vả của đội ngũ làm công tác này, vì vừa phải đảm bảo nắm vững, áp dụng đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mới có thể giải quyết đúng đắn về mặt hình thức (thủ tục) giải quyết khiếu nại, tố cáo, vừa phải nắm vững nghiệp vụ về tổ chức việc thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật liên quan mới có thể giải quyết đúng đắn về mặt nội dung của kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
Từ sự băn khoăn này đặt ra sự cần thiết tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thi hành án không chỉ cho đội ngũ Chấp hành viên mà cả đội ngũ Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án, khi mà trong thực tế, phải gánh vác trách nhiệm thẩm tra hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên nhưng hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án còn bất cập cả về thời gian, thời lượng, nội dung so với việc đào tạo Chấp hành viên.
Kết thúc Lớp Bồi dưỡng, mặc dù các đại biểu đều nhận định, về chất lượng, Lớp Bồi dưỡng đã đáp ứng được sự mong mỏi của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tuy nhiên, về số lượng với 800 đại biểu được triệu tập thì hoàn toàn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của thực tế. Do đó, các đại biểu kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo cho những người làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở được nâng lên, hạn chế khiếu nại bức xúc, vượt cấp tại các cơ quan ở trung ương, để cơ quan thi hành án dân sự địa phương giảm bớt thời gian phải xem xét, xử lý đơn thư mà tập trung vào việc tổ chức thi hành án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật./.
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo