Một số vấn đề về chỉ tiêu thi đua và định mức chỉ tiêu thi đua trong thi hành án dân sự

17/10/2007
Thi đua có một vị trí rất quan trọng trong việc thúc đẩy các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đó, đảm bảo công bằng, dân chủ và thiết thực trong thi đua luôn là một trong những yêu cầu được đặt ra. Để đáp ứng được các yêu cầu này, đỏi hỏi phải có những chỉ tiêu thi đua, định mức chỉ tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể, tuỳ thuộc vào tính chất, cũng như yêu cầu đối với việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.


Trong công tác thi hành án dân sự, để đảm bảo thúc đẩy việc thực hiện có kết quả những bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án, quyết định của Trọng tài thương mại đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống các chỉ tiêu thi đua và định mức chỉ tiêu thi đua hàng năm phù hợp với đặc thù của công tác thi hành án dân sự.

Về Hệ thống chỉ tiêu thi đua trong thi hành án dân sự

Để hệ thống chỉ tiêu thi đua thực sự phát huy được tác dụng trong thực tiễn thi hành án dân sự, đòi hỏi hệ thống các chỉ tiêu thi đua phải phù hợp với thực tiễn hoạt động, cũng như đặc thù của công tác thi hành án dân sự;phản ánh được phần lớn hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;rõ ràng, đầy đủ và có tính khả thi. Để đảm bảo được đòi hỏi này, Hệ thống chỉ tiêu thi đua trong thi hành án dân sự nên có các nội dung sau:

Thứ nhất, chỉ tiêu phản ánh khối lượng công việc cơ quan Thi hành án phải gánh vác (nhiệm vụ phải thực hiện theo chức năng). Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, nhiệm vụ chính của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương là phải tổ chức thi hành có kết quả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nêu trên trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức thi hành án, khi tổ chức thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để giáo dục, thuyết phục hoặc cưỡng chế buộc các bên thực hiện các quyền, nghĩa vụ về tài sản theo nội dung bản án, quyết định. Các quyền, nghĩa vụ này có thể là tiền hoặc giá trị các tài sản cần xử lý. Đây chính là nội dung công việc phải thực hiện. Vì vậy, chỉ tiêu này được chia thành 2 loại:

- Chỉ tiêu phản ánh về việc: là số lượng việc (mỗi quyết định thi hành án được tính là một việc) cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành trong kỳ báo cáo. Trong đó có số việc thụ lý mới của năm báo cáo và số còn tiếp tục phải thi hành của năm trước chuyển sang;

- Chỉ tiêu phản ánh về tiền: là số tiền và giá trị tài sản được thể hiện bằng tiền cơ quan Thi hành án phải tổ chức thu của người phải thi hành án để thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung quyết định của bản án và số tài sản cơ quan Thi hành án phải xử lý để nộp ngân sách nhà nước hoặc trả cho công dân.

Cấu thành nên chỉ tiêu này, theo quy định của Quyết định số 02/QĐ-BTP ngày 14/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chế độ thống kê thi hành án dân sự có rất nhiều nội dung khác nhau, tùy thuộc vào từng căn cứ phân loại chỉ tiêu thống kê khác nhau. Xét dưới giác độ là các tiêu chí cấu thành nên nội dung chỉ tiêu thi đua, bao gồm: Số việc, số tiền đã thực tế tổ chức thi hành xong (số việc xong hoàn toàn và số tiền thực thu); số việc, số tiền được tổ chức thi hành bằng các biện pháp khác (đình chỉ, ủy thác, trả đơn yêu cầu thi hành án, miễn, giảm thi hành án) và số việc chưa thực hiện xong trong kỳ báo cáo phải chuyển sang kỳ sau để theo dõi và tiếp tục tổ chức thi hành (số thi hành dở dang, số chưa thi hành được, số hoãn thi hành án, số tạm đình chỉ thi hành án, lý do khác).

Thứ hai, chỉ tiêu phản ánh khối lượng công việc đã thực hiện được trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của công việc cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện, khối lượng công việc thực hiện trong kỳ được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó có những việc cơ quan Thi hành án đã thực tế tổ chức thi hành xong các quyền và nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định (số việc thi hành xong hoàn toàn và số tiền thực thu); số vụ việc, mặc dù chưa thi hành được phần nào theo nội dung bản án, quyết định, nhưng xuất hiện các căn cứ theo quy định của pháp luật nên cơ quan Thi hành án ra các quyết định tương ứng chấm dứt việc thi hành, xoá sổ thụ lý và loại khỏi sổ theo dõi ở kỳ báo cáo sau (số ủy thác, số trả đơn, số đình chỉ, số miễn, giảm thi hành án). Như vậy, cấu thành lên chỉ tiêu này bởi 2 nội dung sau:- Số việc thi hành xong hoàn toàn và số tiền thực thu;

Số việc, tiền được giải quyết xong, bao gồm: Số việc xong hoàn toàn và số tiền thực thu; số tiền, số việc ủy thác, đình chỉ, trả đơn, miễn, giảm thi hành án.

Thứ ba, chỉ tiêu phản ánh khối lượng công việc còn tồn chuyển sang kỳ báo cáo sau thi hành tiếp. Về mặt lý thuyết, cơ quan Thi hành án phải thực hiện xong 100% khối lượng công việc thuộc trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trên thực tế do những lý do chủ quan và khách quan khác nhau, cơ quan Thi hành án không thể tổ chức thi hành xong khối lượng công việc mình phải gánh vác ở trong kỳ. Đây chính là những vụ việc cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm theo dõi và tiếp tục tổ chức thi hành ở kỳ tiếp theo. Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu này bao gồm:

-  Số thi hành dở dang;

- Số chưa thi hành được;

- Số tạm đình chỉ;

- Số hoãn thi hành án;

Số lý do khác (án tuyên không rõ, chưa thống nhất về biện pháp giải quyết giữa các ngành có liên quan đối với những vụ việc cụ thể, tài sản kê biên hoặc phải giao chưa xử lý được, tạm ngưng thi hành án để giải quyết khiếu nại).

Về định mức chỉ tiêu thi đua

Định mức chỉ tiêu thi đua là tỷ lệ khối lượng công việc các cơ quan Thi hành án dân sự đã hoàn thành so với khối lượng công việc phải thực hiện. Do đó, định mức chỉ tiêu thi đua trong thi hành án dân sự phải phù hợp với khả năng và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự. Trong thực tiễn tổ chức thực hiện thi đua giữa các cơ quan Thi hành án dân sự trong những năm vừa qua cho thấy các chỉ tiêu thi đua và định mức thi đua hiện tại không còn phù hợp cần phải được thay đổi.

Một là, chỉ tiêu và định mức chỉ tiêu về việc được đưa ra thi hành. Theo Quyết định số 1883/QĐ-BTP ngày 15/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bảng chấm điểm với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương (gọi tắt là Quyết định 1883/QĐ-BTP), thì tỷ lệ số việc đã giải quyết (xong + đình chỉ + ủy thác + đều + dở dang + trả đơn) so với số việc có điều kiện thi hành đạt 95% trở lên. Quy định này chưa hợp lý vì, thực chất đây là số việc được đưa ra giải quyết, không phải là số việc giải quyết xong. Do đó, theo quy định, tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện chủ động và thi hành án theo đơn, khi cơ quan Thi hành án nhận được đơn yêu cầu thi hành án hoặc bản án do Toà án chuyển giao, thì phải ra quyết định thi hành án để đưa ra thi hành. Mặt khác, việc được tính trên cơ sở 1 quyết định thi hành án, nên tỷ lệ này luôn luôn là 100%. Do đó chỉ tiêu này cần thay đổi lại như sau: Đảm bảo 100% số vụ việc chủ động và có đơn yêu cầu thi hành án phải được đưa ra thi hành.

Hai là, chỉ tiêu về việc thi hành xong hoàn toàn. Theo quy định của Quyết định số 1883/QĐ-BTP, tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc (xong + đình chỉ + đều) (đều được tính với những loại việc thực hiện theo nghĩa vụ định kỳ) so với án có điều kiện thi hành (xong + đình chỉ + ủy thác + dở dang + đều) đạt từ 75 % trở lên. Về chỉ tiêu này cần thay đổi như sau: Thi hành xong hoàn toàn 70% số việc có điều kiện (có điều kiện về tài sản) thi hành của năm báo cáo. Vì, thi hành xong hoàn toàn, theo quy định của Chế độ thống kê mới ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thì "Thi hành xong hoàn toàn" là số việc mà cơ quan Thi hành án dân sự thực tế tổ chức thi hành xong mọi quyền lợi, nghĩa vụ theo nội dung bản án và quyết định thi hành án. Ngoài ra, còn một số việc mặc dù được thi hành xong bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng được coi là thi hành xong. Như vậy số xong hoàn toàn ở đây được hiểu hẹp hơn trước kia và trên thực tế tỷ lệ này thường chỉ đạt dưới 70%.

Mặt khác, việc Quyết định 1883/QĐ-BTP quy định xong hoàn toàn bao gồm: xong + đình chỉ + đều và lại tính trên số có điều kiện là chưa đúng về bản chất vì án đình chỉ có trường hợp là có điều kiện thi hành, có trường hợp lại là án không có điều kiện thi hành. Đồng thời, xét về mặt số học, thì không bao giờ cơ quan Thi hành án có thể tổ chức thi hành được 100% nếu như tồn tại án ủy thác trong cơ cấu án có điều kiện thi hành, trong khi án thi hành xong hoàn toàn lại không có chỉ tiêu án ủy thác. Ví dụ: Cơ quan Thi hành án thụ lý 500 việc, trong đó:

Thi hành xong hoàn toàn 200 việc;

Đình chỉ 100 việc;

Đều 100 việc;

Dở dang 0 việc;

Ủy thác 100 việc.

Giả sử Cơ quan Thi hành án thi hành xong hoàn toàn 200 việc, giải quyết bằng các biện pháp đình chỉ 100 việc, ủy thác 100 việc, đều 100 việc. Khi tính tỷ lệ sẽ là: 400 (Xong + đều + đình chỉ)/500 (Xong + đều + đình chỉ + ủy thác + dở dang) = 80%. Như vậy, trên thực tế sẽ không thể đạt được tỷ lệ xong hoàn toàn là 100% và nếu như số ủy thác càng nhiều, thì tỷ lệ xong hoàn toàn càng thấp, đây là sự bất hợp lý cần phải thay đổi. Hơn nữa, xác định các chỉ tiêu như trên, thì còn số trả đơn yêu cầu thi hành án, số ủy thác... đều đã được cơ quan Thi hành án tổ chức thực hiện xong và xoá sổ thụ lý (mặc dù không thi hành được các quyền và nghĩa vụ trong quyết định thi hành án nhưng cũng đã phải tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ và bỏ ra khoản chi phí không nhỏ để giải quyết) lại không được tính.

Do đó, tỷ lệ này được tính trên cơ sở số thi hành xong hoàn toàn so với số có điều kiện thi hành án. Trong đó, số có điều kiện thi hành án (có khả năng thi hành án) bao gồm: xong hoàn toàn + dở dang + chưa thi hành được. Để đảm bảo được chỉ tiêu này, đòi hỏi các cơ quan Thi hành án phải lỗ lực tổ chức thi hành đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng chưa thi hành được.

Ba là, chỉ tiêu về việc giải quyết xong. Chỉ tiêu này hiện tại chưa được quy định. Trong thực tế, theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì kể cả số việc có điều kiện và không có điều kiện đều có biện pháp để giải quyết. Ví dụ đối với những vụ việc có điều kiện thi hành thì cơ quan Thi hành án áp dụng mọi biện pháp để tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Toà án và các quyết định khác. Còn đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành, thì cơ quan Thi hành án cũng có biện pháp để giải quyết theo quy định của các điều luật. Ví dụ như: Đình chỉ , trả đơn, ủy thác, miễn, giảm thi hành án, ra quyết định hoãn thi hành án. Những việc này, mặc dù cơ quan Thi hành án không tổ chức thi hành được các quyền và nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định trên thực tế, nhưng do xuất hiện các điều kiện theo quy định của pháp luật, nên cơ quan Thi hành án áp ra các quyết định tương ứng để kết thúc việc theo dõi và tổ chức thi hành đối với những việc đó. Khi áp dụng những điều luật này, cơ quan Thi hành án cũng phải áp dụng tất cả những biện pháp nghiệp vụ để giải quyết. Do đó, để công nhận kết quả tổ chức thi hành của các cơ quan Thi hành án trên thực tế và để phù hợp với Chế độ thống kê, thì những phần việc nêu trên được xác định là những việc giải quyết xong và được tính tỷ lệ so với tổng số thụ lý.

Như vậy, tỷ lệ giải quyết xong về việc sẽ được tính trên cơ sở số việc giải quyết xong (số thi hành xong hoàn toàn + số trả đơn + số đình chỉ + số ủy thác + miễn thi hành án + số thi hành đều (số vụ việc đã thi hành đến kỳ cuối cùng hoặc các đương sự đã thoả thuận với nhau thi hành làm một lần, cơ quan Thi hành án đã xoá sổ thụ lý trong kỳ báo cáo)) so với tổng số vụ việc thụ lý. Định mức cho chỉ tiêu này, qua thực tế thi hành án trong những năm vừa qua cho thấy nên quy định khoảng 75% là phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.

Việc thực hiện chỉ tiêu này, ngoài việc thúc đẩy các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung vào giải quyết những vụ việc có điều kiện thi hành, còn thúc đẩy Chấp hành viên tích cực rà soát, phân loại án để áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm làm giảm số lượng án tồn đọng trong năm báo cáo. Đặc biệt, hạn chế được việc một số nơi do muốn nâng cao thành tích đã chuyển một số loại việc có điều kiện xử lý vào mục lý do khác để thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan.

Bốn là, chỉ tiêu về giá trị (số tiền thực thu và giá trị thành tiền của số tài sản cơ quan Thi hành án xử lý theo bản án, quyết định). Theo Quyết định 1883/QĐ-BTP, thì hiện tại chỉ tiêu này được chia thành 2 chỉ tiêu là: chỉ tiêu về tiền (số tiền thực thu) so với số có điều kiện thi hành, định mức là đạt 55% trở lên và tỷ lệ thi hành án về giá trị hiện vật phải thi hành so với hiện vật có điều kiện thi hành, định mức là 40% trở lên. Việc tách phần giá trị thành hai loại chỉ tiêu như nêu trên là chưa phù hợp thực tiễn vì, thực tế tài sản khi xử lý đều được tính thành tiền. Hơn nữa, số tài sản phải thi hành hầu hết là số tài sản đã được tuyên rõ trong bản án, quyết định, vì vậy số này luôn có điều kiện để xử lý. Do việc phân loại chỉ tiêu và định mức chỉ tiêu về giá trị tài sản được xử lý quá thấp đã dẫn đến việc một số cơ quan Thi hành án dân sự chưa tích cực trong việc xử lý tài sản để thi hành án, đồng thời việc tách rời hai loại chỉ tiêu này cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ về giá trị cho những đơn vị tích cực trong việc xử lý tài sản.

Do vậy, nên gộp hai chỉ tiêu này thành một chỉ tiêu là "số giá trị thực thu" để dễ xử lý và phù hợp với quy định của Chế độ thống kê mới. Còn về định mức, nên quy định số giá trị thực thu đạt 50% của số giá trị có điều kiện thu. Như vậy, sẽ phù hợp với quy định của Chế độ thống kê thi hành án dân sự và thực tiễn hoạt đông thi hành án trong thời gian qua.Việc tính tỷ lệ của chỉ tiêu này sẽ được thực hiện trên cơ sở số tiền thực thu (số tiền thực tế cơ quan Thi hành án thi hành xong theo nội dung quyết định thi hành án và số tài sản thực tế cơ quan Thi hành án dân sự đã xử lý xong theo nội dung bản án, quyết định để trả cho người được thi hành án hoặc nộp vào ngân sách Nhà nước) so với số tiền có điều kiện thu (số thi hành xong và số chưa thi hành). Quy định này sẽ thúc đẩy các cơ quan Thi hành án dân sự thi đua tổ chức thi hành dứt điểm số tiền có điều kiện thu và số tài sản có điều kiện xử lý nhưng chưa xử lý để nâng cao kết quả thi hành án về giá trị, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan Thi hành án hoàn thành nhiệm vụ.

Năm là, chỉ tiêu về giá trị giải quyết xong. Như đã phân tích ở trên, trong quá trình tổ chức thi hành án, ngoài số tiền thực tế cơ quan Thi hành án thu được để trả cho người được thi hành án, thì còn một khối lượng giá trị lớn, mặc dù cơ quan Thi hành án dân sự không thu được nhưng cũng được phép áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giải quyết. Do đó, cần quy định chỉ tiêu này, để thúc đẩy các cơ quan Thi hành án thi đua lập thành tích trong việc áp dụng mọi biện pháp để tổ chức thi hành án.

Chỉ tiêu này sẽ được tính trên cơ sở so sánh giữa số giá trị tiền, tài sản cơ quan Thi hành án dân sự thực thu và số giá trị tiền, tài sản cơ quan Thi hành án giải quyết xong bằng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật so với tổng số giá trị tiền, tài sản cơ quan Thi hành án phải thực hiện. Như vậy, định mức chỉ tiêu này được tính tên cơ sở số giải quyết xong (số thực thu, đình chỉ, trả đơn, ủy thác, miên, giảm thi hành án) so với tổng số thụ lý. Định mức này, để phù hợp thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự trong thời gian vừa qua nên quy định khoảng 70%.

Ngoài ra, để đảm bảo linh hoạt và tạo ra sự công bằng giữa các cơ quan Thi hành án dân sự trong thi đua hoàn thành nhiệm vụ, căn cứ vào thực tế khối lượng công việc phải thực hiện hàng năm và số lượng biên chế các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện vào thời điểm báo cáo thành tích thi đua, cần phân chia chỉ tiêu thành nhiều loại định mức khác nhau (từ 1 đến 3 loại). Ví dụ: đối với những nơi có tỷ lệ bình quân số việc và số tiền, tài sản phải thi hành từ 100 đến 150 việc/01 biên chế, thì áp dụng các định mức nêu trên, còn những nơi có tỷ lệ bình quân từ 151 việc/01 biên chế trở lên, thì định mức được giảm đi 5%...Đồng thời do nước ta có đặc điểm địa lý phức tạp, nên trong việc xác định các định mức cho các chỉ tiêu thi đua cũng nên tính đến hệ số khu vực khi xét thi đua. Bổ sung thêm quy định này sẽ khắc phục được tình trạng có đơn vị thi hành được hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lại không đạt được chỉ tiêu thi đua, ngược lại có đơn vị thi hành chỉ được dưới 100 tỷ đồng nhưng lại được tặng Bằng khen hoặc các hình thức khen thưởng cao hơn.

Hoàng Thế Anh
Cục Thi hành án dân sự