Bộ Tư pháp đề nghị dừng việc chuyển giao thi hành dân sự có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành

21/03/2008

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg “Về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”, trong đó có yêu cầu: “Để đảm bảo việc thi hành án được nhanh gọn, giảm bớt thủ tục phiền hà, gây trì trệ, kéo dài, cần từng bước giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành đối với các vụ việc có giá trị không quá 500.000 đồng, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án”.



Việc chuyển giao đã được nghiêm túc triển khai thực hiện

 Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành hữu quan đã khẩn trương, tích cực phối hợp triển khai thực hiện chủ trương chuyển giao. Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 05/2002/TT-BTP ngày 27/2/2002 “Hướng dẫn chuyển giao một số vụ việc trong thi hành án cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành”. Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 15/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 08/2/2002 “Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, kinh phí để lại cho UBND xã, phường tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu được nộp vào Ngân sách Nhà nước”. Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về chủ trương chuyển giao.

                Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan kiểm sát, Tòa án ở địa phương phối hợp trong việc thực hiện chuyển giao.

                Ở địa phương, nhiều nơi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, như: Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Trà Vinh, Bình Phước, Sóc Trăng, Hậu Giang v v...Một số nơi, Tỉnh uỷ cũng ban hành chỉ thị chỉ đạo tăng cường công tác thi hành án dân sự, trong đó có việc chú trọng thực hiện công tác chuyển giao, như: Hoà Bình, Lào Cai.

                Nhiều Ban chỉ đạo thi hành án tích cực chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp trong việc thực hiện chuyển giao, chỉ đạo việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án, có nơi còn có chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ trực tiếp tham gia đôn đốc việc thực hiện chuyển giao (thành phố Hồ Chí Minh). Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các cơ quan liên quan thường xuyên quan tâm, phối hợp, hỗ trợ cho cơ quan thi hành án và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc chuyển giao và trực tiếp đôn đốc thi hành án.

Các cơ quan thi hành án dân sự tập trung rà soát, phân loại án, xác định số vụ việc có giá trị không quá 500.000 đồng, thực hiện việc chuyển giao cho UBND cấp xã và bảo đảm nhiều điều kiện cần thiết cho UBND cấp xã trong việc tiếp nhận, đôn đốc việc thi hành án đã nhận chuyển giao, như: cấp sổ sách, sao gửi hồ sơ, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, giải quyết những vướng mắc cho UBND cấp xã trong việc đôn đốc thi hành án.

                Có nơi thực hiện chuyển giao 100% số việc có có giá trị không quá 500.000 đồng (Hải Phòng), có nơi lựa chọn việc thi hành án có điều kiện thì mới chuyển giao hoặc chuyển giao thí điểm cho một số xã sau đó chuyển giao ở tất cả các đơn vị cấp xã trong toàn tỉnh (Hà Giang). Tính đến thời điểm cuối năm 2003, tất cả các địa phương trong toàn quốc đều đã thực hiện việc chuyển giao một số vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành.

                Nhiều địa phương đã mở “chiến dịch tuyên truyền điểm”, “tuyên truyền rộng”, phát thanh trên đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, như ở: Hưng Yên, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang, Lâm Đồng, Bến Tre, Vĩnh Long v v...

Sau hai năm thực hiện việc chuyển giao, tháng 6 năm 2005, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chuyển giao cho thấy kết quả ở các địa phương có khác nhau. Nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp Uỷ, chính quyền địa phương, cán bộ thi hành án, UBND cấp xã tích cực trong việc thực hiện chuyển giao thì đạt kết quả cao và ngược thì kết quả đôn đốc thi hành án không cao, thậm chí trì trệ. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chuyển giao đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, Ban chỉ đạo thi hành án và chính quyền địa phương; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức của cơ quan thi hành án, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp cấp xã, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự và phát huy hơn nữa sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác thi hành án dân sự.

Như vậy, nhìn chung chủ trương chuyển giao đã được nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện.

Những kết quả đã đạt được

                1. Kết quả đôn đốc thi hành án về việc và tiền

                Sau khi nhận án được chuyển giao, hầu hết các UBND cấp xã đã tích cực thực hiện việc đôn đốc thi hành án. Tính đến ngày 30/9/2007, các cơ quan thi hành án đã chuyển giao 249.111 việc, với số tiền 53 tỷ 630 triệu 724 nghìn 572 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành. UBND cấp xã đã đôn đốc thi hành đạt kết quả cụ thể như sau:

                1.1. Kết quả về việc:

                Đã đôn đốc thi hành xong 146.132 việc, đạt 58,66% trên số việc đã chuyển giao.

                1.2. Kết quả về tiền:           

                Đã thu được 25 tỷ 542 triệu 266 nghìn 572 đồng, đạt 47,63% trên số việc đã chuyển giao.

Nhiều UBND cấp xã đôn đốc thi hành án đạt kết quả cao, như: Phú Yên 85,53% về việc, 83% về tiền; Đắc Lắc 84,65% về việc, 80% về tiền; thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang 100 % về việc và tiền; huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai 99,85 về việc, 99,88% về tiền; Hà Tây 88,88% về việc, 78,41% về tiền;Bắc Ninh 79,86% về việc, 76,21% về tiền; Bắc Giang 80,97% về việc, 73,32% về tiền; Hòa Bình 78,24% về việc, 77,94% về tiền; Lạng Sơn 75,97% về việc, 71,28% về tiền.

Kết quả nêu trên cho thấy số lượng việc thi hành án đã được đôn đốc thi hành xong góp phần làm giảm nhất định tỷ lệ án tồn đọng, mặc dù chưa cao và chưa đồng đều ở các địa phương.

                2. Tạo điều kiện cho việc củng cố chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với cấp Uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia vào công tác thi hành án dân sự

                Thực hiện việc chuyển giao, các địa phương đã xác định được trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo phối hợp các cơ quan hữu quan tham gia đôn đốc thi hành án, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều Ban chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, tham gia vào hoạt động thi hành án. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ công tác, như “Tổ hỗ trợ công tác thi hành án” hoặc “Tổ ba người”. Một số địa phương, cấp Uỷ và UBND cấp xã đã giao trách nhiệm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác ở cơ sở, phối hợp với Trưởng thôn, Già làng, Trưởng bản, Tổ trưởng Tổ dân phố đến gia đình người phải thi hành án động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Công an xã, phường, thị trấn triệu tập người phải thi hành án đến trụ sở cơ quan để cán bộ Tư pháp cấp xã kết hợp với công an viên giải thích, thuyết phục người phải thi hành nộp tiền thi hành án.

                Trong việc tiếp nhận và đôn đốc thi hành án, nhiều UBND cấp xã đã thường xuyên liên hệ, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan thi hành án. Nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã đã thực hiện hoạt động nghiệp vụ thi hành án, như: xác minh rõ điều kiện thi hành án, vận dụng nhiều phương pháp, biện pháp linh hoạt trong việc động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; lập danh sách cụ thể những người phải thi hành án trên địa bàn gửi đến từng khu phố, tổ dân phố, thôn, bản, các cơ quan, đoàn thể nơi người phải thi hành án công tác hoặc cư trú để phối hợp đôn đốc thi hành. Một số cán bộ Tư pháp cấp xã đã đi sâu tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, tâm tư nguyện vọng của các đương sự, từ đó vận dụng cách thức đôn đốc thi hành phù hợp, gắn động viên, giải thích, thuyết phục với áp dụng biện pháp quản lý hành chính hợp pháp ở địa phương, vì thế nhiều trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án.

                Ở nhiều địa phương, ngoài việc cán bộ Tư pháp cấp xã giữ vai trò chủ yếu trong việc đôn đốc thi hành án, thì nhiều cán bộ khác của UBND cấp xã hoặc đoàn thể ở cơ sở, như: Kế toán xã, Địa chính xã, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ v v ...đã tham gia tích cực vào hoạt động thi hành án.

                3. Góp phần thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho các đương sự trong việc tham gia vào quá trình thi hành án

                Theo quy định của pháp luật thì cơ quan thi hành án dân sự được thành lập ở hai cấp (tỉnh và huyện), vì thế ở nhiều địa phương trong trường hợp đương sự làm việc trực tiếp với cơ quan thi hành án, như: nhận tiền, nộp tiền thi hành án phải đến trụ sở cơ quan thi hành án tốn kém về thời gian, kinh phí đi lại do trụ sở cơ quan thi hành án cách xa nơi cư trú của đương sự, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, hải đảo. Việc chuyển giao án cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành góp phần tạo điều kiện cho đương sự giảm bớt thời gian, kinh phí đi lại khi tham gia giải quyết việc thi hành án vì thường thì trụ sở của UBND cấp xã ở gần nơi cư trú của đương sự hơn so với trụ sở cơ quan thi hành án.

Mặt khác, do ở gần nơi cư trú của đương sự, nên UBND cấp xã có điều kiện nắm bắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của đương sự, do đó trong nhiều trường hợp kịp thời đôn đốc thi hành án hơn cơ quan thi hành án. Nhiều nơi, UBND cấp xã đã hình thành một bộ phận cán bộ thường xuyên tham gia vào hoạt động thi hành án, tiếp cận sâu dần vào các nghiệp vụ thi hành án, tích cực tuyên truyền pháp luật về thi hành án trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, đưa công tác thi hành án “gần dân”, tạo điều kiện để công tác thi hành án đạt hiệu quả cao hơn.

Việc thực hiện chuyển giao đã góp phần thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong lĩnh vực thi hành án theo xu hướng “hướng về cơ sở”, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Trong thời gian qua có nhiều đơn vị, cá nhân ở cấp xã đã có tinh thầm trách nhiệm, tận tuỵ tham gia đôn đốc thi hành án đạt kết quả cao. Nhiều địa phương kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đôn đốc thi hành án.

Nhiều hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

                Bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được nêu trên, việc thực hiện chuyển giao có nhiều hạn chế, tồn tại:

                Thứ nhất, kết quả đôn đôn thi hành chưa cao

                Tại thời điểm những năm đầu thực hiện chuyển giao, kết quả đôn đốc đạt tương đối khá (hai năm đầu, tính đến 31/12/2004 số việc đôn đốc thi hành xong 97.501/181.347 việc chuyển giao, đạt 53,7%; với số tiền thu đuợc 14 tỷ 518 triệu 894 nghìn đồng, đạt 38,22%), nhưng sau đó kết quả đôn đốc không cao. Đến hết ngày 30/9/2007, số việc thi hành án mà UBND cấp xã đôn đốc thi hành án còn tồn là 102.979 việc (chiếm 41,33%), với số tiền còn phải đôn đốc là 28 tỷ 088 triệu 450 nghìn đồng (chiếm 52,37%).

Một số địa phương tỷ lệ đôn đốc thi hành án chưa cao, như: Ninh Bình 13,94 về việc, 9,87% về tiền; Cao Bằng 15,97% về việc, 13,34% về tiền; Ninh Thuận 24,74% về việc, 37,49% về tiền; Nam Định 24,19% về tiền, 20,94% về tiền; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 41,63% về việc, 27% về tiền.

Kết quả đôn đốc thi hành án chưa cao phần nhiều là do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành và có phần do sự quá tải công việc của nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã.

                Thứ hai, một số UBND cấp xã, cán bộ Tư pháp cấp xã chưa chủ động, tích cực thực hiện việc đôn đốc; có hạn chế trong việc áp dụng nghiệp vụ thi hành án vào quá trình đôn đốc thi hành án đã nhận chuyển giao

                - Chủ trương chuyển giao đòi hỏi UBND cấp xã phải trực tiếp đôn đốc việc thi hành án, nhưng sự quan tâm, thực hiện công tác này ở nhiều UBND cấp xã chưa được chú trọng, thậm chí có sự né tránh, không nhận trách nhiệm, coi công tác trực tiếp đôn đốc thi hành án không phải là nhiệm vụ của mình. Có nơi, UBND cấp xã tuy đã nhận chuyển giao nhưng trong thời gian dài không vào sổ thụ lý, không phân công cán bộ đôn đốc thi hành vụ việc hoặc sau khi nhận chuyển giao thì Chủ tịch UBND cấp xã phó thác cho cán bộ Tư pháp cấp xã mà không quan tâm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện.

                Việc quản lý, sử dụng tiền thi hành án do UBND cấp xã đã thu được có nhiều trường hợp chưa đúng quy định, như: không kịp thời làm thủ tục nhập qũy, chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp đôn đốc thi hành án không đúng quy định.

                - Trong quá trình thực hiện đôn đốc thi hành án, nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã chưa tích cực, áp dụng không đúng quy định về thi hành án, như: chậm xác minh hoặc xác minh điều kiện thi hành án sơ sài; mở sổ sách, lập biểu mẫu, hồ sơ thi hành án không đúng quy định; hồ sơ thi hành án chưa thể hiện đầy đủ quá trình đôn đốc thi hành án, không lưu đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu của vụ việc, như: biên bản xác minh điều kiện thi hành án, biên bản giải quyết việc thi hành án, phiếu thu, phiếu chi tiền thi hành án.

                Hạn chế này do các nguyên nhân sau đây:

                + Việc thực hiện đôn đốc thi hành án là một nhiệm vụ của UBND cấp xã được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trình tự, thủ tục thi hành án có tính chất rất phức tạp, trong quá trình thực hiện việc chuyển giao phát sinh những vấn đề vướng mắc, khó khăn thì chưa được hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Trong số những việc thi hành án thuộc diện chuyển giao, nhiều việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành, khoản tiền thu được thuộc diện nộp ngân sách nhà nước, cơ quan thi hành án đã xác minh nhận thấy đương sự chưa có điều kiện thi hành án, nhưng pháp luật về thi hành án dân sự chưa quy định được miễn, giảm thi hành án, nên cơ quan thi hành án vẫn chuyển giao, vì vậy kết quả đôn đốc không cao. Nhiều trường hợp vụ việc thi hành án đã được chuyển giao, UBND cấp xã và cơ quan thi hành án xác minh nhận thấy chưa có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án phải rút hồ sơ lên để ra quyết định hoãn thi hành án án hoặc làm thủ tục miễn, giảm thi hành án, hỗ trợ tài chính để thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004; sau khi hết thời hạn hoãn thi hành án hoặc không được xét miễn, giảm, hỗ trợ tài chính, thì vụ việc lại được chuyển giao.

+ UBND cấp xã là đơn vị hành chính cơ sở đảm đương nhiều nhiệm vụ, lãnh đạo UBND cấp xã không có điều kiện trực tiếp tham gia đôn đốc thi hành án. Các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp xã hầu như không có trình độ chuyên môn về thi hành án nên sự tham gia phối hợp rất khó khăn, nhiều đơn vị tham gia mang tính “hình thức” nên không đạt hiệu quả.

+ Cán bộ Tư pháp cấp xã tuy đã được công nhận là công chức (công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã), nhưng biên chế bình quân chỉ có một người/UBND cấp xã, lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc; nhiều nơi lại thường xuyên có sự thay đổi do được đề bạt, bầu cử giữ chức vụ khác, như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND hoặc HĐND cấp xã hoặc làm công việc khác. Mặt khác, công tác đôn đốc thi hành án đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án nhất định, nhưng nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã trình độ về luật còn nhiều hạn chế, chưa được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ thi hành án hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đôn đốc thi hành án, nên trong quá trình đôn đốc thi hành án còn gặp nhiều lúng túng, không đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thi hành án. Nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã do địa bàn cư trú, sinh sống với người phải thi hành án trong cùng địa bàn nhỏ (thôn, xóm, ấp, làng, bản, tổ dân phố, cụm dân cư v v...), thậm chí nhiều trường hợp là người họ hàng thân thích với người phải thi hành án, nên nể nang, ngại va chạm, không kiên quyết thực hiện việc đôn đốc thi hành án.

                Thứ ba, hiệu quả kinh tế không cao, gây tốn kém nhiều kinh phí, công sức của cơ quan thi hành án

Do tính chất của công việc “đôn đốc”, UBND cấp xã không phải là cơ quan thi hành án, khi nhận chuyển giao thì chỉ được đôn đốc, báo cáo kết quả đôn đốc về cơ quan thi hành án cấp huyện. Cơ quan thi hành án thực hiện thủ tục chuyển giao thông qua nhiều khâu: rà soát, phân loại án, lập kế hoạch chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp cấp xã, ra quyết định chuyển giao, photo hồ sơ thi hành án, cung cấp sổ sách, biểu mẫu, biên lai thu tiền thi hành án, quyết toán thu chi với cơ quan thuế, kiểm tra, báo cáo, sơ kết, tổng kết v v... Những chi phí cho hoạt động này khá lớn, trong khi số tiền thu được không nhiều (ví dụ: ở thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2005 số tiền UBND cấp xã thu được 398 triệu đồng thì số tiền phải chi cho tập huấn, in sổ sách, biểu mẫu, mua biên lai, văn phòng phẩm phục vụ cho việc chuyển giao là 286 triệu đồng).

Ở nhiều nơi, cán bộ Tư pháp cấp xã nhận hồ sơ thi hành án xong “để đấy”, cơ quan thi hành án phải cử cán bộ đến tận nơi trực tiếp cùng đi đôn đốc, đôn đốc xong lại phải hướng dẫn các thủ tục hoàn tất hồ sơ thi hành án, nên tốn kém nhiều thời gian, công sức và kinh phí, mà số tiền đôn đốc thu được nhiều trường hợp rất nhỏ (ở Lạng Sơn).

Kiến nghị dừng việc chuyển giao

                Chủ trương chuyển giao góp phần không nhỏ vào việc cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong thi hành án, làm cho công tác thi hành án gần dân hơn, sát dân hơn, giảm bớt chi phí về thời gian, kinh phí đi lại cho các đương sự, huy động được sức mạnh của nhiều cơ quan, đoàn thể ở cơ sở vào công tác thi hành án. Tuy nhiên, kết quả đôn đốc thi hành án của UBND cấp xã chưa thực sự cao, có sự không đồng đều giữa các địa phương, thủ tục chuyển giao gây tốn kém kinh phí, nhiều ý kiến đề nghị dừng việc chuyển giao.

                Để công tác thi hành án dân sự được tăng cường và nâng cao hiệu quả hơn, Bộ Tư pháp đã đề nghị:

                - Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng quy định cụ thể trình tự, thủ tục thi hành án, xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, loại bỏ những khâu trung gian, thủ tục phiền hà gây trở ngại cho công tác thi hành án dân sự.

                - Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án về số lượng và chất lượng, bổ sung biên chế, tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương dừng việc chuyển giao thi hành dân sự có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành. Tuy nhiên, phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với UBND cấp xã và các cơ quan hữu quan vào công tác thi hành án, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thi hành án.

Lê Anh Tuấn

Cục Thi hành án dân sự-Bộ Tư pháp