Một là, tập trung giải quyết một bước căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng, hạn chế làm phát sinh việc tồn đọng mới; tiếp tục phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành; thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực sự tạo chuyển biến cơ bản trên địa bàn Hà Nội, nâng cao hiệu quả thi hành án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Thi hành án dân sự tổ chức, hướng dẫn cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiến hành tổng rà soát các việc tồn đọng, phân tích nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, nhất là những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng vẫn chưa thi hành được; đồng thời chỉ đạo áp dụng các biện pháp giải quyết có hiệu quả các việc thi hành án tồn đọng, phấn đấu giảm 10 đến 15% số lượng việc thi hành án tồn đọng so với năm 2007.
Cơ quan Thi hành án dân sự của những địa phương có nhiều việc thi hành án dân sự tồn đọng tập trung chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm thi hành án; tranh thủ tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án các địa phương nhằm tăng cường sự phối kết hợp trong công tác thi hành án dân sự.
Hai là, kiện toàn tổ chức, cán bộ của Cục Thi hành án dân sự và Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác thi hành án dân sự; tăng cường đối thoại, kỹ năng công tác dân vận giải quyết dứt điểm một phần quan trọng các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; giảm thiểu các vụ việc khiếu nại mới phát sinh. Cơ quan Thi hành án dân sự các địa phương tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thi hành án ngay từ cơ sở. Cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp có hiệu quả trong việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
Văn phòng Bộ, Cục Thi hành án dân sự, các Sở Tư pháp, báo Pháp luật Việt Nam và báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh thiết lập, duy trì “Đường dây nóng” về công tác thi hành án dân sự; cải tiến việc tiếp nhận và xử lý thông tin đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Bốn là, xây dựng Luật Thi hành án dân sự, Đề án Thừa phát lại, Đề án tập trung thống nhất đầu mối quản lý về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự.
Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Thi hành án thành phố triển khai thực hiện thí điểm Đề án Thừa phát lại tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Cục Thi hành án dân sự đôn đốc, theo dõi việc triển khai, kịp thời rút kinh nghiệm để chấn chỉnh hoặc đề xuất phương án tiếp tục triển khai ở một số địa phương khác có số lượng việc thi hành án lớn.
Cục Thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án; xây dựng Đề án thành lập cơ quan Thi hành án dân sự khu vực.
Ngoài ra, Quyết định 49/QĐ-BTP còn yêu cầu phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động cho các cơ quan Thi hành án dân sự; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, nhất là tăng cường năng lực, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Thi hành án cấp huyện, đủ sức thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực công tác dân vận, thuyết phục cho đội ngũ chấp hành viên, nhất là ở cấp huyện; tăng cường quan hệ công tác giữa Trung ương với địa phương; giữa Tư pháp, Thi hành án cấp tỉnh với cấp uỷ, chính quyền cấp huyện và giữa Tư pháp, Thi hành án cấp huyện với cấp uỷ, chính quyền cấp xã, v.v... đây cũng được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm mà công tác thi hành án dân sự phải tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2008./.
Nguyễn Văn Nghĩa