Hội nghị lấy ý kiến các tỉnh phía Bắc: Thành công tốt đẹp

27/04/2009
Đó là kết luận bế mạc của đồng chí Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Tổ trưởng Tổ Biên tập, chủ trì Hội nghị đánh giá về kết quả cuộc Hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh phía Bắc cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự được tổ chức tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào ngày 24/4/2009.  


Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh phía Bắc cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự có sự tham gia của Lãnh đạo Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và 03 Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện của các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng; riêng thi hành án dân sự tỉnh Nam Định nơi tổ chức Hội nghị đã có sự tham gia đầy đủ của mười Trưởng thi hành án dân sự cấp huyện và lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc tỉnh.

          Sau lời phát biểu chào mừng của đồng chí Phạm Thị Đương, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định nơi tổ chức Hội nghị và sau gợi ý những vấn đề cần tập trung thảo luận của Thường trực Tổ Biên tập Nghị định, xác định Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự là một văn bản thiết thực cho cơ quan thi hành án dân sự, sát sườn với cơ quan thi hành án dân sự, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghiêm túc nghiên cứu dự thảo và bám sát các gợi ý về các nội dung cần tập trung thảo luận để trao đổi, góp ý cho dự thảo.

          Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Trưởng thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã tham luận về vấn đề rất quan trọng trong thi hành án, đó là nội dung về xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Nội dung này cũng được hầu hết các đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc cho dự thảo như đại biểu đến từ Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định, Yên Bái, Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Thị Phương, Trưởng Thi hành án dân sự thành phố Nam Định chia sẻ các kinh nghiệm và góp ý cho các nội dung về miễn, giảm nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Thi hành án dân sự quận Ba Đình, Hà Nội tâm huyết với các nội dung về ra quyết định thi hành án, phí thi hành án, miễn, giảm thi hành án. Cùng chia sẻ sự quan tâm về các nội dung này là đại biểu của cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh Yên Bái, Hải Dương, Thái Nguyên.

Qua một ngày làm việc tích cực, tổng hợp lại, các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất, có nhiều ý kiến góp ý thiết thực cho dự thảo, đó là thoả thuận thi hành án (thoả thuận trước hay sau khi yêu cầu thi hành án, để khẳng định giá trị pháp lý của thoả thuận thì cần chứng nhận không, Chấp hành viên có được từ chối chứng kiến thoả thuận không, chi phí chứng kiến thoả thuận, nội dung thoả thuận…); thời hiệu yêu cầu thi hành án (những trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan…); ra quyết định thi hành án ( đối với án chủ động thi hành án thì ra bao nhiêu quyết định thi hành án là phù hợp; đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu của những người có quyền liên đới..); xác minh điều kiện thi hành án (thời hạn xác minh các trường hợp chủ động thi hành án; trách nhiệm và thời hạn Chấp hành viên tiến hành xác minh lại điều kiện thi hành án, việc sử dụng kết quả xác minh trong trường hợp đương sự vừa phải thi hành án vụ việc thuộc diện chủ động vừa phải thi hành án theo đơn yêu cầu, trách nhiệm trong trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của đương sự..); cưỡng chế thi hành án (những trường hợp không được cưỡng chế thi hành án, trách nhiệm báo cáo của Trưởng thi hành án dân sự trước khi tiến hành việc cưỡng chế đối với các vụ án lớn, phức tạp…); xác định giá trị của tài sản thuộc thẩm quyền định giá của Chấp hành viên (mức nào là phù hợp…); phí thi hành án (những trường hợp chịu phí thi hành án có phải là những vụ án có giá ngạch hay không, mức phí thi hành án thế nào là phù hợp…); về định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ ( có cần thiết phải quy định thành một Nghị định riêng, thành chương riêng không, quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền định giá, ai có chức năng giám định? Ai có quyền trưng cầu và yêu cầu giám định? nếu Chấp hành viên có quyền trưng cầu thì có theo mẫu của cơ quan tiến hành tố tụng hay không, chi phí trong trường hợp trưng cầu hay yêu cầu giám định…); miễn, giảm khoản thu nộp ngân sách nhà nước (cách tính giá trị khoản được miễn, giảm, thủ tục Thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị miễn giảm thi hành án, xử lý những trường hợp người phải thi hành án ở nước ngoài, không rõ địa chỉ…); xử lý tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu sung công (lúc nào thì trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự kết thúc, thời hạn cơ quan tài chính nhận tài sản từ cơ quan thi hành án thế nào, có nên quy định về việc cơ quan tài chính uỷ quyền cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản hay không, khi kết thúc có phải thông báo kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để lưu hồ sơ thi hành án hay không…)…

Ý kiến góp ý của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương qua Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự đã được Tổ Biên tập tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo trước khi dự thảo được thẩm định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Lê Kim Dung