Hướng dẫn mới về cơ chế quản lý tài chính kinh phí tổ chức cưỡng chế THADS

11/01/2012
Luật THADS ngày 14/11/2008 và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS” được ban hành có nhiều quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, nhiều quy định mới theo Luật và Nghị định nêu trên chưa được hướng dẫn cụ thể, nên chưa thực sự áp dụng có hiệu quả trên thực tế.


Để hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế THADS, nhất là những điểm mới về vấn đề này, ngày 19/12/2011, Bộ Tài chính và Bộ tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP có hiệu lực từ ngày 10/02/2012 hướng dẫn về nội dung chi, mức chi, nguồn kinh phí thực hiện cưỡng chế thi hành án, thủ tục tạm ứng, hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án, lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí cưỡng chế THADS do cơ quan THADS tổ chức thực hiện. Theo đó có những nội dung quan trọng sau đây:

Thứ nhất, về nội dung chi cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế: Chi phí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí). Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án.

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, định giá lại tài sản, bán đấu giá tài sản:

- Chi phí định giá, định giá lại tài sản: Chi phí thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản: Giá dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản theo hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá. Chi phí liên quan đến việc định giá trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện việc xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật THADS: Chi bồi dưỡng cho các thành viên họp xác định giá, xác định giá lại tài sản. Chi giám định tài sản: Phí giám định tài sản và một số khoản chi thực tế hợp pháp để thực hiện việc giám định tài sản.

- Chi phí bán đấu giá tài sản: Phí bán đấu giá theo quy định và các chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá trong trường hợp cơ quan THADS ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài tài sản. Tiền thuê địa điểm, phương tiện phục vụ tổ chức bán đấu giá, niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp cơ quan THADS trực tiếp tổ chức tiến hành bán đấu giá tài sản để thi hành án.

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu: Chi thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thuê địa điểm và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu. Chi bồi dưỡng cho các đối tượng trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.

e) Chi bồi dưỡng cho Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và một số đối tượng khác trực tiếp tham gia cưỡng chế THADS và bảo vệ cưỡng chế.

2. Người được thi hành án phải chịu 03 loại chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

Chi phí xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS đối với trường hợp người được thi hành án có đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án, người được thi hành án chịu các chi phí: Chi tiền công tác phí cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án, chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình xác minh điều kiện thi hành án và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án.

Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá.

Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ. Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó.

3. Ngân sách nhà nước bảo đảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí họp bàn cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức họp với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế.

b) Chi phí cho việc bố trí phiên dịch, biên dịch trong trường hợp đương sự là người dân tộc thiểu số của Việt Nam mà không biết tiếng Việt và trường hợp đương sự là người nước ngoài.

c) Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này trong trường hợp có vi phạm quy định về định giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật THADS.

d) Phí, chi phí bán đấu giá tài sản tài sản không thành theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ.

đ) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch này trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS.

e) Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ.

g) Chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án. Bộ Tư pháp quy định cụ thể đối với các trường hợp này.

h) Chi phí khi đang tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải ngừng, đình chỉ vì các lý do sau:

- Do sự kiện bất khả kháng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ;

- Trường hợp Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật THADS.

Đối với các trường hợp tạm ngừng, đình chỉ vì các lý do chủ quan của người được thi hành án hoặc người phải thi hành án thì chi phí cưỡng chế thi hành án đến thời điểm tạm ngừng, đình chỉ do đối tượng gây tạm ngừng, đình chỉ chịu.

i) Các khoản chi cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài liệu của người phải thi hành án trong trường hợp người thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án.

k) Toàn bộ chi phí cưỡng chế và chi phí định giá, định giá lại tài sản đã thực hiện nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ toàn bộ quá trình cưỡng chế.

Thứ hai, mức chi cưỡng chế thi hành án:

1. Chi cho các thành viên tham gia họp bàn cưỡng chế thi hành án, các thành viên họp định giá và định giá lại giá tài sản:

a) Chủ trì: 100.000 đồng/người/ngày;

b) Thành viên: 70.000 đồng/người/ngày.

2. Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án:

a) Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án:

- Người chủ trì: mức 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế;

- Đối tượng khác: mức 70.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

b) Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và các đối tượng khác được huy động tham gia cưỡng chế THADS trong trường hợp cần thiết: mức 70.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.  

3. Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án; những người trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ:

- Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: Mức 50.000 đồng/người/ngày.

- Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: Mức 70.000 đồng/người/ngày. 

4. Chi công tác phí cho các đối tượng đi xác minh điều kiện thi hành án: Thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Chi thuê phiên dịch:

- Phiên dịch tiếng dân tộc: Tối đa 200% mức lương tối thiểu chung, tính theo lương ngày do Nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính.

- Phiên dịch tiếng nước ngoài: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về mức chi dịch thuật trong chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

6. Các chi phí: Thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ; thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá; phí thẩm định giá; phí bán đấu giá; thuê trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản và các khoản chi khác có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan THADS phê duyệt.

Thứ ba, về tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án khi chưa thu được của các đương sự:

1. Tạm ứng chi phí tổ chức cưỡng chế thi hành án:

a) Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án, người được thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.

Trong khi chưa thu được chi phí cưỡng chế thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án, cơ quan THADS thực hiện ứng trước kinh phí cho các Chấp hành viên để tổ chức cưỡng chế thi hành án từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan THADS.

b) Ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí trong dự toán của cơ quan THADS để thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án. Mức bố trí cụ thể cho từng cơ quan THADS do Bộ Tư pháp giao sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thủ tục Chấp hành viên tạm ứng và hoàn tạm ứng kinh phí cưỡng chế thi hành án:

a) Tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án:

Trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập và trình Thủ trưởng cơ quan THADS phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án (trừ trường hợp phải cưỡng chế ngay). Kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung theo quy định tại Điều 72 Luật THADS: biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế; phương án tiến hành cưỡng chế; lực lượng tham gia (số lượng người, thành phần tham gia); dự toán chi phí phục vụ cho cưỡng chế.

Dự toán chi phục vụ cưỡng chế được lập căn cứ vào nội dung chi, mức chi  quy định tại Điều 2, Điều 3 Thông tư liên tịch này và thông báo cho đương sự biết trước ngày tiến hành cưỡng chế theo quy định tại Điều 39, 40, 41, 42, 43 của Luật THADS.

Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế từ nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước giao cho cơ quan THADS.

Hồ sơ, biểu mẫu về tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án thực hiện theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS.

b) Hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án:

Khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền của người phải thi hành án, người được thi hành án, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án trước đó cho cơ quan THADS theo quy định tại Điều 47 Luật THADS.

Cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án để thu hồi kinh phí đã tạm ứng. Cuối quý, năm, cơ quan THADS tổng hợp báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng tổ chức cưỡng chế thi hành án (số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được; số kinh phí tạm ứng chưa thu hồi, nguyên nhân chưa thu hồi...) với cơ quan quản lý cấp trên. Bộ Tư pháp tổng hợp, gửi Bộ Tài chính cùng với báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

Hồ sơ và biểu mẫu hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế và thanh toán tiền thi hành án đã được quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS.

Thứ tư, lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án:

Việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán chi phí cưỡng chế thi hành án thuộc nhiệm vụ ngân sách nhà nước chi thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư liên tịch này hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm sau:

1. Lập dự toán:

Hàng năm, trên cơ sở số kinh phí tạm ứng cưỡng chế đã bố trí trong dự toán chi ngân sách của các cơ quan THADS từ những năm trước được chuyển sang để tiếp tục thực hiện, các cơ quan THADS lập dự toán kinh phí thực hiện cưỡng chế thi hành án, trong đó tách riêng làm hai phần:

a) Kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án khi chưa thu được của các đương sự: Lập dự toán kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp do chia tách tỉnh, huyện; phần kinh phí đã tạm ứng cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi của người phải thi hành án, người được thi hành án hoặc một số trường hợp đặc biệt khác cần phải tăng hoặc giảm mức tạm ứng ban đầu gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm theo quy định.

b) Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Chấp hành dự toán, quyết toán:

a) Phân bổ dự toán: Trên cơ sở kinh phí thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế thi hành án đã được bố trí trong dự toán hàng năm, Bộ Tư pháp phân bổ và giao kinh phí ngân sách để tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án cho các cơ quan THADS vào phần kinh phí không thực hiện tự chủ sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

b) Điều chỉnh dự toán: Trong trường hợp xét thấy cần điều chỉnh dự toán kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án của các cơ quan THADS đã được giao, Bộ Tư pháp quyết định điều chỉnh phân bổ dự toán giữa các cơ quan THADS trong phạm vi nguồn kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án đã được ngân sách nhà nước giao.

c) Kinh phí bố trí tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện.

d) Việc quyết toán kinh phí cưỡng chế THADS thực hiện theo quy định hiện hành.

Các cơ quan THADS phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án đúng quy định hiện hành và các quy định tại Thông tư liên tịch này.

                                                                                                 Lê Anh Tuấn