Công tác Thi hành án dân sự năm 2010: Những kết quả ấn tượng

23/12/2010
Chiều qua (22/12), cũng tại Đà Nẵng, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã tổ chức tổng kết công tác THADS năm 2010, và xây dựng phương hướng năm 2011. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cùng nhiều đại diện các ban ngành của Trung ương, TP Đà Nẵng và đông đủ các cơ quan THADS địa phương đã tham dự.

Bước tiến trong công tác tổ chức, cán bộ

Với sự ra đời của Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Nghị định 74 của Chính phủ, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tư pháp, THADS địa phương nên trong một thời gian ngắn các cơ quan THADS đã được kiện toàn về tổ chức, bộ máy từ TW đến cơ sở.

Theo báo cáo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành tại Hội nghị tổng kết, cả nước hiện có 3.135 chấp hành viên, 301 thẩm tra viên, 9 thẩm tra viên chính (tăng 1.852 biên chế, 530 chấp hành viên so với năm 2007, năm đầu của giai đoạn 2007-2010). Đến nay, đã kiện toàn xong lãnh đạo Tổng Cục THADS, 57/63 tỉnh, thành có Cục trưởng THADS, 2 đơn vị cấp phó được giao quyền Cục trưởng, còn lại là cấp phó giao phụ trách. Tổng số Phó Cục trưởng đã được bổ nhiệm là 94 người. Ở cấp huyện, hiện có 637/694 đơn vị đã bổ nhiệm Chi cục trưởng và giao quyền Chi cục trưởng. 57 đơn vị cấp Phó giao phụ trách.

Ngoài kiện toàn tổ chức, bộ máy, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cho biết thêm: trên cơ sở kế hoạch của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ chấp hành viên, những người trực tiếp làm công tác THA tại cơ sở.

Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng kiên quyết xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công chức ngành. Nhiều vi phạm đã được xử lý kịp thời nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, góp phần làm trong sạch lành mạnh đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp.

Áp lực công việc còn lớn

Kết quả THADS năm 2010 đạt khá cao, song theo đánh giá của Tổng Cục THADS thì công tác này vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Cụ thể, từ năm 2009 khi Luật THADS có hiệu lực, kết quả THA đã đạt chỉ tiêu (80% về việc và 60% về tiền), năm 2010 là năm kết quả THADS đạt cao nhất từ trước tới nay (86,35% về việc và trên 80% về tiền). Tuy nhiên, kết quả đó chưa phản ánh một cách vững chắc, ổn định thường xuyên. Lượng án tồn đọng qua nhiều năm vẫn chưa được giảm mạnh. Trong toàn ngành lượng án tồn chuyển sang năm 2011 vẫn còn nhiều (trên 200 ngàn việc với số tiền gần 20 ngàn tỷ đồng). Bên cạnh đó, việc phân loại án có điều kiện, không có điều kiện thi hành tại một số cơ quan THADS địa phương còn thiếu chính xác.

Một hạn chế tồn tại khác cũng được chỉ ra là công tác xây dựng thể chế còn chậm tiến độ, thiếu kịp thời, công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành.

Đặc biệt, mặc dù toàn ngành đã được tăng cường biên chế song số lượng cán bộ toàn ngành vẫn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Nếu tính trên số lượng việc thụ lý thì năm 2010 một chấp hành viên phải đảm nhiệm trung bình trên 196 việc, nếu tính trên số việc có điều kiện thi hành thì một chấp hành viên phải đảm nhiệm thụ lý giải quyết trung bình gần 130 việc. Bên cạnh đó, trong công tác cán bộ tồn tại là năng lực cán bộ chậm đổi mới chưa có chiều sâu; công tác quy hoạch cán bộ chưa có tính chủ động, đặc biệt là với các chức danh lãnh đạo Cục, Chi cục THADS. Một số địa phương có lượng án lớn nhưng thiếu nhiều cán bộ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An…

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế yếu kém nêu trên, theo Tổng cục THADS, về chủ quan là do lực lượng cán bộ, công chức ngành THADS  chưa đủ mạnh, chưa thích ứng nhanh chóng với những đòi hỏi ngày càng cao, những tình huống ngày càng phức tạp trong công tác THADS. Một bộ phận cán bộ trong ngành chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, sứ mệnh của công tác THA nên thiếu tận tâm, không học tập, tu dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức lối sống..

Về nguyên nhân khách quan là do sự phối hợp giữa THADS và các ngành liên quan chưa có chiều sâu, thiếu liên tục. Một số Bộ, ngành địa phương chưa thực sự đề cao công tác THADS, chưa quan tâm nhiều đến công tác cán bộ…

Tại Hội nghị tổng kết công tác THADS, các đại biểu đã cho ý kiến vào phương hướng công tác năm 2011, thảo luận về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác THA.

 Thu Hằng

 

Nhiệm vụ chủ yếu của công tác THADS giai đoạn 2011-2015:

Phấn đấu đạt tỷ lệ cao trong THA, trong đó giữ mức ổn định giải quyết xong 80% về việc, 60% về tiền; phấn đấu 85% về việc, 75% về tiền trên số việc có điều kiện thi hành, giảm từ 5 đến 10% án tồn đọng cũ, giảm thiểu đến mức thấp nhất án chuyển kỳ sau. Giải quyết đúng thời hạn thấp nhất 80-85% số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; quan tâm chỉ đọa, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhạy cảm nhằm bảo đảm quyền lợi của người được THA và những người liên quan.

- Hoàn thành công tác kiện toàn, tổ chức cán bộ của ngành THA. Xây dựng và triển khai kế hoạch, quy hoạch nguồn nhân lực và công tác cán bộ THADS.

 

Kế hoạch công tác tốt sẽ tăng hiệu quả công việc

“Năm 2010, THADS Hà Nội thi hành đạt tỷ lệ 90% về việc, 80% về tiền/số có điều kiện thi hành, giảm gần 2 ngàn việc tồn đọng, đạt tỷ lệ 15%.

Một trong những giải pháp mà THADS Hà Nội đã thực hiện là thành lập các Đoàn kiểm tra kế hoạch công tác của Chi cục và từng Chấp hành viên, do một lãnh đạo Cục THADS làm Trưởng đoàn. Phương pháp kiểm tra là trực tiếp đối thoại với chấp hành viên và đơn vị được kiểm tra về tính căn cứ và đường lối giải quyết cụ thể từng vụ việc. Qua đó, kịp thời phát hiện thiếu sót, tồn tại và hướng dẫn thi hành dứt điểm vụ việc.

Mặc dù đạt được kết quả như vậy, song Hà Nội vẫn còn tình trạng thiếu chấp hành viên, quá tải trong công việc vẫn xảy ra ở nhiều cơ quan THA; trong khi các vụ việc THA về kinh doanh thương mại tăng nhiều về số lượng và số tiền, giá trị hiện vật phải thi hành lớn, hầu hết đều phải xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản và do người thứ ba bảo lãnh nên trình tự thủ tục vừa kéo dài, vừa phức tạp..

Để công tác THADS đạt hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần quan tâm và sớm triển khai việc sát hạch bổ nhiệm chấp hành viên để tăng cường số lượng chấp hành viên, đồng thời sớm triển khai các chế độ chính sách, phụ cấp thâm niên nghề, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ THA yên tâm công tác”.