Thi hành án dân sự là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án đã có hiệu lực phát luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay trên thực tế. Có người cho rằng, bản án, quyết định của Tòa án như là “bản vẽ“ hay là “bài lý thuyết” mang tính hướng dẫn, còn việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự là “người thợ xây” hay là hoạt động đưa bài lý thuyết đó “thực hành trên thực tế”. Lý thuyết đúng sẽ đi vào thực tiễn nhanh, ngược lại lý thuyết không phản ánh đúng thực tế thì chậm đi vào thực tiễn, thậm chí có lúc không thể thực hiện trên thực tế được. Trong thực tiễn, khi tổ chức thi hành án, có trường hợp nếu nhìn nhận sự việc chỉ từ bản án, quyết định của tòa án không thôi thì chưa thấy hết tính chất của nó, vì vậy để tổ chức thi hành án theo đúng bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp này trên thực tế lại hoàn toàn không dễ. Nhiều người cho rằng, khi tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án không có gì là khó cả, các phán quyết của Tòa án đã vạch sẵn đường đi, Chấp hành viên cứ thế tổ chức thi hành theo quyết định của bản án là xong. Phải khẳng định rằng, quan niệm như thế là không sai nhưng chỉ đúng một phần, vì thực tế của việc thi hành án thường phát sinh rất nhiều vấn đề mà khi xét xử Tòa án có thể chưa nhìn nhận hoặc khi đánh giá một vụ việc người ta có thể chưa thấy hết được vấn đề.