(Quang cảnh buổi làm việc của đ/c Trần Hoàng Tuấn - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi với một số Sở, ngành có liên quan để nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ngành và một số lĩnh vực khác của Ngành THADS tỉnh).
Kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ 2021
Trong năm 2021, các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi phải thụ lý thi hành hơn 8,7 nghìn việc, tương ứng với với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, so với năm 2020 tăng hơn 300 trăm việc tương ứng với tăng hơn 846 tỷ đồng. Do đã dự báo trước được tính chất và đặc thù công việc tại các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2021 sẽ gia tăng đột biến về số việc và tiền phải thi hành án, nhất là số lượng các vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng ngân hàng, nên ngay từ đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục THADS, cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi giao; Cục THADS đã xây dựng kế hoạch công tác năm, trình Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến thống nhất và được Tổng cục THADS phê duyệt, chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng Cục THADS giao, Cục trưởng đã triển khai cho toàn thể cơ quan Cục và các đơn vị Chi cục THADS cấp huyện tổ chức thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ chung và ban hành quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng Chấp hành viên của Cục và các Chi cục. Mặt khác, Cục trưởng đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác THADS tại Chi cục THADS cấp huyện để kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong công tác THADS để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS tại các cơ quan THADS trong toàn tỉnh. Ngoài ra, Lãnh đạo Cục đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành và triển khai tổ chức thực hiện nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp trong THADS trên địa bàn tỉnh và Lãnh đạo Cục cũng đã chủ động ký nhiều quy chế phối hợp song phương (Quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, với Bảo Hiểm xã hội tỉnh, với Sở Tài nguyên và môi trường, với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, với Hội Luật gia tỉnh…) và quy chế phối hợp liên ngành (Quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh với TAND tỉnh, VKSND tỉnh và Công an tỉnh)… Chính từ những nổ lực của lãnh đạo, công chức và người lao động trong toàn ngành, cùng với sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của một số cơ quan, ban ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở, nên trong năm 2021, các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao, trong đó tổ chức thi hành xong hơn 5,2 nghìn việc trên tổng số hơn 6,7 nghìn việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 77,64%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc 1,82% (tỷ lệ chung của toàn quốc đạt 75,82%), tương ứng với số tiền thi hành xong hơn 610 tỷ đồng trên tổng số hơn 1,3 nghìn tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 46,80%, cao hơn tỷ ệ chung của toàn quốc là 15,59% (tỷ lệ chung toàn quốc đạt 31,21%). Ngoài ra, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan THADS tỉnh cũng đạt kết quả cao, đã giải quyết xong 13 việc/13 việc thụ lý, đạt tỷ lệ 100%.
Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, ông Võ Văn Xông - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, công tác THADS vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh như: Năm 2021, số lượng việc và tiền phải thi hành án tăng đột biến, nhưng số lượng chấp hành viên thì bị giảm mất 05 người (có 02 chấp hành viên xin nghỉ trước tuổi, 01 chấp hành viên xin nghỉ việc để đi làm công chứng, 02 chấp hành viên nghỉ hưu theo chế độ), trong khi Bộ Tư pháp chưa tổ chức được việc thi tuyển chấp hành viên để bổ sung nguồn chấp hành viên cho các cơ quan THADS, dẫn đến sự quá tải trong công việc cho chấp hành viên, nhất là các chấp hành viên của Chi cục THADS thành phổ Quảng Ngãi, mỗi chấp hành viên phải tổ chức thi hành bình quân 400 việc/năm; Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương bị phong tỏa, thực hiện giản cách xã hội, nên nhiều đơn vị không thể phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan để động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án và thực hiện các vụ việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản, cưỡng chế giao tài sản để thi hành án, dẫn đến các vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng chưa thi hành xong vẫn còn nhiều; Trong thời gian gần đây, các cơ quan THADS phải thụ lý, tổ chức thi hành nhiều vụ việc thi hành án cho các Ngân hàng có liên quan đến ngư dân tại các xã Nghĩa an, Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê thuộc thành phố Quảng Ngãi, Phổ Châu, Phổ Thạnh thuộc thị xã Đức Phổ, Bình Châu, Bình Hải, Bình Thạnh thuộc huyện Bình Sơn… tài sản thế chấp để vay vốn Ngân hàng chủ yếu là tàu thuyền đánh bắt hải sản và nhà ở duy nhất của hộ gia đình. Việc xử lý tài sản thế chấp trong giai đoạn thi hành án gặp rất nhiều khó khăn vì nhà là nơi ở duy nhất của cả hộ gia đình và đặc thù nhà ở tại vùng biển rất khó bán đấu giá, tính thanh khoản của tài sản thấp. Đối với tàu thuyền thì thường xuyên di chuyển đến các địa phương khác, không cố định nơi neo đậu, do đó khi kê biên không bán được càng để lâu càng bị hư hỏng, mất giá... Bên cạnh đó, toàn bộ nguồn thu nhập của ngư dân phụ thuộc vào việc đánh bắt hải sản, do đó khi cơ quan Thi hành án kê biên, bán đấu giá để thi hành án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của ngư dân và chính sách an sinh xã hội tại địa phương; Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, nhiều vụ việc người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, luôn tìm cách né tránh, chống đối việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án, lợi dụng quyền tự do dân chủ để khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài, trì hoãn việc thi hành án. Trong khi đó, cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, người phải thi hành án cố tính cung cấp không trung thực hoặc không cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án, gây khó khăn cho việc xác minh, phát hiện và xử lý tài sản của người phải thi hành án để thi hành án; những trường hợp giao trả quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hoặc tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trên đất để trả lại đất, nhưng khi xác minh điều kiện thi hành án, người phải thi hành án chống đối quyết liệt, trong khi pháp luật chưa quy định trách nhiệm tham gia phối hợp của lực lượng công an để bảo vệ lực lượng tham gia xác minh (chỉ quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế), nên có nhiều vụ việc thi hành án, chấp hành viên và thành phần tham gia xác minh đã đến hiện trường, nhưng người phảo thi hành án chống đối quyết liệt, lực lượng tham gia xác minh không thể xác minh điều kiện thi hành án, phải lập biên bản không xác minh được và ra về, gây tốn kém thời gian, kinh phí, nhưng lại không có cơ sở tổ chức thi hành án.
Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong thời gian tới
Ông Võ Văn Xông cho biết, trên cơ sở dự báo số việc và số tiền phải thụ lý thi hành án năm 2022 tại các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tăng đột biến, có khả năng sẽ hơn 10 nghìn việc và 2,5 nghìn tỷ đồng, cộng với đánh giá về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự năm 2021, đòi hỏi các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi phải tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tranh thủ tốt sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục THADS tỉnh và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, tăng cường phối hợp với các đơn vị hữu quan mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt, để triển khai tốt nhiệm vụ công tác năm 2022, bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Phải tiếp tục xây dựng kế hoạch công tác thi hành án dân sự năm 2022 của các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo đúng chỉ đạo của Tổng cục THADS, bám sát với Kế hoạch công tác năm 2022 của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi, phù hợp với đặc điểm và thực tế công tác THADS trên địa của từng địa phương, chỉ đạo, triển khai, quán triệt, theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn cho toàn thể công chức, người lao động bám sát thực hiện, nhằn phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2022; Kiến nghị Tổng cục THADS đề xuất Bộ Tư pháp tổ chức kỳ thi tuyển CHV để phân bổ cho các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tư pháp xây dựng đề án cho phép thành lập các tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, nhằm san sẻ, giảm tải khối lượng công việc và áp lực ngày càng tinh giảm biên chế tại các cơ quan THADS. Đồng thời, Chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng chính sách tổng thể về phát triển kinh tế biển trên địa bàn tỉnh, trong đó xem xét việc hỗ trợ ngư dân (vay vốn, khoanh nợ, giảm lãi, xoá lãi,…), tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục được mua hoặc giữ lại tàu thuyền đánh bắt hải sản để có nguồn thu nhập trả nợ, ổn định cuộc sống, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp tốt với cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án (xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản...). Đồng thời, có cơ chế xem xét miễn, giảm lãi hoặc khoanh nợ tạo điều kiện cho người phải thi hành án và cơ quan THADS thi hành dứt điểm vụ việc, nhất là khi họ đã thi hành xong nợ gốc hoặc đã xử lý hết tài sản thế chấp./.
Phạm Huy Ân