Cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự cũng có những phát triển, thay đổi để đáp ứng và phù hợp với từng giai đoạn cũng như yêu cầu của cách mạng. Theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 thì tại các Tòa án nhân dân đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự, đến Hiến pháp năm 1980 lần đầu tiên đã có quy định: Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành, với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 và Quy chế chấp hành viên đã ghi nhận chỉ có chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, thi hành án dân sự là một giai đoạn độc lập tiếp theo giai đoạn xét xử.
Ngày 01/7/1993, đánh dấu mốc quan trọng trong tổ chức hệ thống thi hành án, khi công tác thi hành án dân sự được chuyển giao từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan Chính phủ và hoạt động theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993, Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 “về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên”, Nghị định số 69/CP ngày 18/10/1993 “quy định thủ tục thi hành án dân sự” hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được xây dựng theo cơ cấu từ Trung ương đến cấp huyện, do Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo. Với việc Quốc hội khoá 12 thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện với sự quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện và đã có một vị thế mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổ chức thực hiện điểm 5 Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ nhất ngày 6-10-1992 về việc bàn giao công tác thi hành án từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan của Chính phủ; Chỉ thị số 266/TTg ngày 02/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự, ngày 01/7/1993, Đội thi hành án huyện Hướng Hóa được thành lập và đi vào hoạt động, đến nay đã tròn 30 năm.
Trong 30 năm xây dựng và trưởng thành với không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, thiếu thốn từ con người đến cơ sở vật chất trong những ngày đầu mới thành lập, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành cùng với sự quyết tâm nỗ lực cố gắng phấn đấu không biết mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng, đồng sức của cán bộ, công chức trong đơn vị, Đội thi hành án huyện huyện Hướng Hóa (nay là Chi cục Thi hành án dân sự) đã không ngừng trưởng thành, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trong các cơ quan Nhà nước ở địa phương.
Bộ máy tổ chức ngày càng được củng cố và kiện toàn, từ 01 cán bộ được chuyển giao từ Tòa án sang thời điểm 01/7/1993, đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hướng Hóa đã có 12 cán bộ, công chức người lao động với đội ngũ cán bộ nhiệt huyết, tậm tâm, tận lực với công việc; phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, công tâm; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị của cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên; các chức danh tư pháp, các vị trí việc làm được bổ nhiệm và được chuẩn hóa theo yêu cầu nhiệm vụ. Các tổ chức chính trị, chính trị xã hội trong cơ quan được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư, trụ sở, kho vật chứng đã được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ từng bước đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp trong trong giai đoạn mới.
Chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn ngày càng được nâng lên, kết quả thi hành án năm sau luôn cao hơn năm trước, hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu trên giao. Trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án đúng quy định của pháp luật; cải cách thủ tục hành chính trong thi hành án được quan tâm và thu được nhiều kết quả tích cực; quan hệ phối hợp ngày càng được củng cố, xây dựng và đi vào chiều sâu; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng quy định pháp luật; dân chủ trong hoạt động của cơ quan được mở rộng và phát huy.
Ghi nhận những thành tích đạt được của đơn vị, trong 30 năm qua, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hướng Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây đã có 6 năm đơn vị đã được Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, tặng cờ thi đua ngành Tư pháp năm 2021, bằng khen của Bộ trưởng năm 2020. Cùng với đó, nhiều lượt công chức, người lao động được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen.
Trong thời gian tới, dự báo công tác thi hành án dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn, để giữ vững những kết quả đã đạt được, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hướng Hóa xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như sau:
1. Giáo dục công chức, người lao động về lòng tự hào truyền thống vẻ vang của Ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu, nâng cao trách nhiệm, tu dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực xây dựng, vun đắp truyền thống vẻ vang của Ngành.
2. Tranh thủ mọi sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Huyện ủy, UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện trong xây dựng đơn vị và tổ chức thi hành án; củng cố, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn trong tổ chức thi hành án trên địa bàn.
3. Bám sát và chỉ đạo triển khai thực hiện có chất lượng nghị quyết của Quốc hội, Chương trình công tác trọng tâm về thi hành án dân sự, hành chính của Bộ Tư pháp; kế hoạch công tác, quyết định giao nhiệm vụ, chỉ tiêu thi hành án dân sự, hành chính hàng năm của Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh để xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình công tác hàng năm phù hợp với tình hình thực tế địa bàn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, chất lượng. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định, không để xảy ra việc khiếu nại tố cáo kéo dài, vượt cấp tạo thành điểm nóng.
4. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách hành chính trong tổ chức thi hành án dân sự. Công khai, minh bạch hóa các thủ tục hành chính về thi hành án dân sự, kịp thời hướng dẫn cho người dân khi có nhu cầu tìm hiểu về các thủ tục hành chính liên quan; nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”; quản lý, khai thác có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ trong thi hành án; sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số. Tập trung xây dựng môi trường công sở văn hóa, văn minh, thân thiện, phục vụ.