Sign In

Kế hoạch của Cục THADS tỉnh Tuyên Quang về triển khai, thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

02/01/2024

Kế hoạch của Cục THADS tỉnh Tuyên Quang về triển khai, thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Thực hiện Công văn số 4506/TCTHADS-GQKNTC ngày 28/11/2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) về việc thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (sau đây viết tắt là Quy định số 132-QĐ/TW), Ngày 23/12/2023 Cục THADS tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch để triển khai, thực hiện như sau:
1. Mục đích:  (1) Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 132-QĐ/TW, trọng tâm là các nguyên tắc, nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhận diện đầy đủ những hành vi vi phạm nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của công chức, người lao động trong các cơ quan THADS của tỉnh trong việc thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. (2) Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Chi bộ, lãnh đạo Cục, người đứng đầu các đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong hoạt động thi hành án nói riêng; xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đội ngũ công chức, người lao động các cơ quan THADS của tỉnh có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương.
2. Yêu cầu: (1) Xác định rõ ràng, cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị; chú trọng các lĩnh vực, nhiệm vụ dễ xảy ra các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực. (2) Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó nội dung kế hoạch cần triển khai thực hiện gồm 02 phần:
I. NHIỆM VỤ, PHÂN CÔNG THỰC HIỆN, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Quán triệt, triển khai Quy định số 132-QĐ/TW
- Nội dung:
+ Quán triệt, triển khai Quy định số 132-QĐ/TW gắn với tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Cục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW; kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc; nhắc nhở, phê bình các tổ chức, cá nhân có biểu hiện hình thức, không nghiêm túc trong tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW.
2. Tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế; ban hành văn bản quy định nội bộ trong cơ quan, đơn vị
- Nội dung:
+ Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản liên quan đến hoạt động THADS, thi hành án hành chính (THAHC) và các văn bản khác có liên quan đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản sau khi được ban hành.
+ Rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ của cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng quy định, gắn với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai thực hiện đúng quy chế, quy định đã ban hành.
3. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Nội dung:
+ Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của cấp uỷ Đảng; sự giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động thi hành án. Tuân thủ pháp luật, quy định, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong hoạt thi hành án, các quy định của pháp luật và các hoạt động khác có liên quan.
+ Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
4. Thực hiện các nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan
- Nội dung:
+ Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về THADS, nhất là trong việc ra quyết định thi hành án, thực hiện các trình tự, thủ tục về xác minh điều kiện, phân loại việc thi hành án; tiếp nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản thi hành án; việc thu, chi tiền thi hành án; việc cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án… Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ, công tác phối hợp trong THADS, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao hằng năm.
+ Thực hiện nghiêm việc theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Tiếp tục thực hiện tốt các quy định về công tác tiếp dân; tiếp nhận, giải quyết, trả lời kịp thời, đúng quy định đối với các yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong THADS thuộc thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
+ Thực hiện nghiêm Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự. Nêu cao trách nhiệm trong việc tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
+ Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là trong các khâu tiếp nhận, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động; thực hiện kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm và đột xuất theo quy định.
+ Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong việc lập dự toán, phân bổ, điều hành dự toán, mua sắm, sử dụng tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật. Quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách, tài sản Nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả theo đúng chế độ hiện hành và quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan đã ban hành.
+ Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan như: Công khai, minh bạch về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công chức, người lao động,... Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
+ Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây dựng văn hóa liêm chính và biện pháp khác phòng ngừa các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS.
+ Chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và của ngành.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA TẬP THỂ, CÁ NHÂN TRONG VIỆC KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
1. Đối với thành viên tập thể lãnh đạo Cục, Chi cục THADS các huyện, thành phố, các phòng chuyên môn thuộc Cục
a) Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động THADS và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
b) Gương mẫu thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; quy định về những hành vi nghiêm cấm, những việc không được làm của công chức, chấp hành viên và người có thẩm quyền khác trong hoạt động THADS và các hoạt động khác có liên quan; trách nhiệm nêu gương, tự phê bình, phê bình, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống liêm khiết, trong sạch, công tâm, khách quan, công bằng trong thực thi công vụ và các biện pháp khác kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
c) Không cản trở, tác động, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động THADS và các hoạt động khác có liên quan; đặc biệt là công tác kiểm tra trong hoạt động THADS.
d) Thường xuyên tự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý, phụ trách.
đ) Chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách.
e) Chịu trách nhiệm với tư cách thành viên tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và với tư cách người quản lý, phụ trách lĩnh vực về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong, cơ quan, đơn vị và trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.
g) Không thực hiện 28 hành vi quy định tại Điều 6, Quy định số 132-QĐ/TW.
2. Đối với người đứng đầu các đơn vị
a) Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm trách nhiệm tại điểm a, b, c, d, g mục 1 phần III của Kế hoạch này.
b) Chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách.
3. Đối với người có thẩm quyền trong hoạt động THADS
a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại điểm a, b, c, g và tuỳ theo chức vụ đảm nhiệm để thực hiện trách nhiệm quy định tại điểm d, đ, e mục 1 phần III của Kế hoạch này.
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị về hành vi, quyết định của mình. Chủ động từ chối tiến hành hoạt động thi hành án dân sự và từ chối tham gia các hoạt động khác có liên quan trong các trường hợp do pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật khác có liên quan quy định.
c) Chấp hành sự phân công, chỉ đạo, kiểm tra của cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu có thẩm quyền; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo công tác theo quy định.

Văn phòng Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: