Sign In

Thỏa thuận thi hành án dân sự và một số vấn đề pháp lý liên quan

12/09/2019

Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận là nguyên tắc đặc trưng của pháp luật dân sự[1], xuất phát từ tính độc lập về sở hữu, tính tự chủ, tự định đoạt, tự chịu trách nhiệm về tài sản của các chủ thể. Đây là nguyên tắc cơ bản bao trùm trong toàn bộ các quan hệ dân sự nói chung và quan hệ của các chủ thể trong thi hành án dân sự nói riêng.
Thỏa thuận thi hành án dân sự là sự tự nguyện của các đương sự[2] (người được thi hành án, người phải thi hành án) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi để đi đến thống nhất thi hành một phần hay toàn bộ nội dung bản án, quyết định dân sự trên cơ sở quyền và nghĩa vụ dân sự đã được xác lập theo bản án, quyết định dân sự đó. Thỏa thuận thi hành án dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị - xã hội và pháp lý. Thỏa thuận thi hành án dân sự thành công không chỉ đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự mà còn là biện pháp thi hành án hiệu quả, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa các đương sự, nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Vấn đề thỏa thuận thi hành án được quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự) Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
1. Cơ sở pháp lý quy định về quyền thỏa thuận trong thi hành án dân sự
Bản án, quyết định của Tòa án được ban hành khẳng định quyền, nghĩa vụ pháp lý của các bên, là kết quả áp dụng pháp luật để giải quyết những tranh chấp pháp lý hoặc là chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì các bên có liên quan trong bản án, quyết định sẽ trở thành chủ thể có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản, nhân thân hoặc đối với một công việc cụ thể (trừ trường hợp bản án, quyết định theo quy định của pháp luật phải thi hành ngay). Pháp luật dân sự quy định cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng[3]. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, theo đó, việc thỏa thuận thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự là quyền tự do của cá nhân, pháp nhân. Ví dụ, bản án tuyên A phải trả cho B 100 triệu đồng trong thời hạn 01 tháng, nhưng A và B lại thỏa thuận là A chỉ phải trả cho B số tiền 50 triệu đồng trong thời hạn 05 năm hoặc thay vì phải trả cho B số tiền 100 triệu đồng tiền mặt thì A giao cho B quyền sử dụng một diện tích đất có giá trị tương đương[4]. Thỏa thuận đó vẫn được chấp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự cũng được quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đó là trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
2. Đối tượng có quyền thỏa thuận thi hành án dân sự
Điều 6 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định “đương sự” có quyền thỏa thuận thi hành án, trong khi theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có người được thi hành án và người phải thi hành án là có quyền thỏa thuận thi hành án. Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có quyền thỏa thuận với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự cũng quy định người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án. Khái niệm “thỏa thuận” được hiểu là phải có sự tự nguyện, đồng ý của ít nhất từ 02 bên trở lên, do đó, theo quy định trên thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền thỏa thuận thi hành án với người được thi hành án và người phải thi hành án. Như vậy, đã có sự mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 6 với Điều 7 và Điều 7a của Luật Thi hành án dân sự về đối tượng có quyền thỏa thuận thi hành án.
Ngoài ra, quy định về chủ thể thỏa thuận thi hành án tại Điều 7, Điều 7a Luật Thi hành án dân sự lại chưa thống nhất với các điều khoản khác có quy định về thỏa thuận trong thi hành án, ví dụ: Điểm a khoản 2 Điều 78[5], khoản 1 và khoản 2 Điều 98[6], khoản 2 Điều 103[7], khoản 3 Điều 135[8].
3. Nội dung, thời gian, địa điểm thỏa thuận thi hành án dân sự
Các nội dung về thỏa thuận thi hành án dân sự được hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, bao gồm:
Một là, trường hợp đương sự thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án thì thỏa thuận đó phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận. Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
 Hai là, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận. Thỏa thuận phải thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
Quy định này được hiểu là khi đã có quyết định thi hành án, các bên đương sự vẫn có quyền thỏa thuận ở tất cả các giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn, không ít những trường hợp các đương sự thoả thuận thi hành án trong quá trình đang thực hiện bán đấu giá tài sản kê biên, gây ra nhiều lúng túng cho chấp hành viên. Bởi vì quy định pháp luật hiện hành về trình tự thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá yêu cầu rất chặt chẽ về mặt thời gian. Trong trường hợp đương sự thỏa thuận thi hành án vượt quá thời gian pháp luật quy định cho quy trình thẩm định giá, bán đấu giá, nếu chấp hành viên chấp nhận thỏa thuận đó thì có vi phạm các trình tự, thủ tục thi hành án không? Mặt khác, khi thực hiện trình tự thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá, chấp hành viên phải ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá, nếu chấp nhận thỏa thuận thì chấp hành viên đã vi phạm hợp đồng dịch vụ dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý phát sinh[9]. Do đó, cần có các quy định hướng dẫn về việc thỏa thuận thi hành án trong thời điểm cơ quan thi hành án đang thực hiện định giá, bán đấu tài sản thi hành án để thống nhất thực hiện.
 Ba là, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Trường hợp thỏa thuận nêu trên được thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án.
Thực tế cho thấy, trong nhiều việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, sau khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, các đương sự thỏa thuận (không có sự tham gia của chấp hành viên) về các khoản phải thi hành án, sau đó các bên tự thanh toán cho nhau và không thanh toán khoản án phí. Khi chấp hành viên yêu cầu, phía ngân hàng cho rằng đây là khoản nợ xấu vì vậy án phí không áp dụng ưu tiên thanh toán và thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật[10]. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, trong cùng một vụ việc, ngân sách nhà nước là bên thứ ba có quyền lợi thể hiện qua khoản án phí, vì vậy thỏa thuận trên là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cụm từ “án phí”, cụ thể như sau: “Trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh án phí và phí thi hành án” để đảm bảo lợi ích của Nhà nước[11].
Khi đương sự có yêu cầu, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án hoặc đang tổ chức thi hành án (khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do. Người yêu cầu chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thế nào là chi phí hợp lý thì pháp luật chưa có giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, ví dụ chi phí đi lại (khoảng cách bao nhiêu, chi phí như thế nào), khoảng thời gian chứng kiến và mức chi phí tương ứng…
Hiện nay, việc áp dụng điểm c khoản 1 Điều 50 và khoản 4 Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự liên quan đến thỏa thuận thi hành án của đương sự và liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba đã phát sinh những quan điểm khác nhau. Ví dụ[12]: Ông A và bà B là người được thi hành án trong một vụ việc thi hành án đang được Chi cục thi hành án dân sự huyện X thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, theo đó ông C là người phải thi hành án và theo bản án thì ông C phải trả ông A và bà B số tiền 450 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án. Cùng thời điểm đó, tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Y và theo một bản án khác thì ông A và bà B lại là người phải thi hành án trong 04 vụ việc thi hành án khác với số tiền thi hành án mà ông A và bà B phải trả cho những người khác là 1,7 tỷ đồng. Ngày 01/7/2016, ông A và bà B đã đề nghị Chi cục thi hành án dân sự huyện X xóa nợ cho ông C và yêu cầu đình chỉ thi hành án số tiền 450 triệu đồng cùng với lãi suất chậm thi hành án và cam kết không khiếu nại gì.
Có thể thấy việc ông A bà B đề nghị xóa nợ cho ông C là bất thường, tuy nhiên căn cứ để xác định việc không chấp nhận hay chấp nhận sự thỏa thuận của ông A và bà B với ông C trong trường hợp này vẫn là một vấn đề còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp: “Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Như vậy, việc xác định người thứ ba theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự còn có nhiều quan điểm khác nhau: Người thứ ba có phải là người có quyền lợi trong cùng một vụ việc hay người thứ ba có thể là bất kỳ ai, có thể là người khác tại bản án khác hay không?
Về việc đình chỉ thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, hiện đang có 02 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc đình chỉ thi hành án trong các trường hợp nói trên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là người được thi hành án trong mối quan hệ với ông A và bà B tại các bản án khác. Người thứ ba ở đây được xác định là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà khi cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ; quyền và lợi ích hợp pháp này phải được pháp luật bảo vệ. Do đó, không chấp nhận đình chỉ thi hành án trong trường hợp nói trên.
Quan điểm thứ hai cho rằng, căn cứ vào Điều 6, Điều 50 Luật Thi hành án dân sự và Điều 122 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền tự định đoạt và thỏa thuận với nhau về việc thi hành án. Vì vậy, đối với các vụ việc mà đương sự có văn bản thỏa thuận xóa nợ cho nhau và yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục thi hành án, thì trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự cần chấp nhận yêu cầu của đương sự và ra quyết định đình chỉ thi hành án.
 Do quy định của pháp luật về thỏa thuận thi hành án, những vấn đề pháp lý có liên quan đến việc thỏa thuận thi hành án cũng như tư cách pháp lý của đương sự còn thiếu rõ ràng, chặt chẽ nên việc tổ chức thi hành án đối với các vụ việc này còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo các quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc thỏa thuận của các đương sự trong quá trình giải quyết của Tòa án được pháp luật khuyến khích và công nhận. Ví dụ, khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể về trình tự tiến hành thỏa thuận của các đương sự và hiệu lực pháp luật của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự[13].
Tuy nhiên, hiệu lực của việc thỏa thuận trong thi hành án dân sự cần được pháp điển hóa, trong trường hợp đương sự vi phạm thỏa thuận (do cơ quan thi hành án dân sự chứng kiến) thì ngoài việc tiếp tục tổ chức theo bản án, quyết định[14], bên vi phạm thỏa thuận có phải chịu trách nhiệm nào khác không? Đây là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới.
Hơn nữa, khoản 9 Điều 419 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án cũng quy định: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Như vậy, pháp luật tố tụng dân sự đã dẫn chiếu việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đến các quy định của pháp luật thi hành án dân sự, trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành lại chưa có các điều khoản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thi hành đối với các biên bản ghi nhận sự thỏa thuận thi hành quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự hoặc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Ngoài ra, việc thỏa thuận thi hành án giữa các bên đương sự còn liên quan đến trách nhiệm đóng phí thi hành án theo quy định của pháp luật[15]. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến vấn đề này trong thời gian tới./.
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội
 
 
 
 
[1] Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.
[3] Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự  năm 2015.
[4] Nguyễn Thanh Thủy, Luận án Tiến sỹ Luật học, Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, 2008, tr. 13 - 14.
[5] Đương sự thỏa thuận việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
[6] Đương sự thỏa thuận về giá, về tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá.
[7] Đương sự có thỏa thuận khác sau khi bán đấu giá tài sản.
[8] Đương sự thỏa thuận về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản khi bản án, quyết định đã thi hành được một phần hoặc thi hành xong nhưng bản án bị hủy, sửa.
[9] Phạm Quang Dũng, Tham luận tại tọa đàm : “Hướng hoàn thiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự” , Học viện Tư pháp, ngày 24/4/2019.
[10] Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH 14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
[11] Phạm Quang Dũng, Tham luận tại tọa đàm: “Hướng hoàn thiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự”, tlđd.
[12] Nguyễn Nhàn, Bàn về vấn đề thỏa thuận thi hành án dân sự ảnh hưởng đến quyền, lợi ịch hợp pháp của người thứ ba, nguồn: Http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=805, truy cập ngày 24/04/2019.
[13] Điều 246, Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[14] Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
[15] Hoàng Thị Thanh Hoa & Nguyễn Văn Nghĩa, Quy định pháp luật về phí thi hành án dân sự  hiện nay ở Việt Nam và liên hệ một vài quy định quốc tế có liên quan, nguồn:
Http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=843, truy cập ngày 05/5/2018.


Theo tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: