Sign In

PHÂN ĐỊNH RÕ THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM - MỘT TRONG NHỮNG GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH CÓ HIỆU QUẢ VỚI THAM NHŨNG

08/06/2020

      Trong những năm gần đây, tệ nạn tham nhũng đã có những diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chính vì thế Đảng ta cũng đã xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Chính phủ cũng xác định “Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới”. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta, dư luận quần chúng nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh; nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước” .
      Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn tham nhũng thì có rất nhiều như: Cơ chế chính sách pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương chưa rõ ràng. Chế độ công vụ hiện nay mới bắt đầu được thể chế hóa. Do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường lối sống thực dụng và văn hóa biếu, nhận quà tặng đang bị lợi dụng dẫn đến những hành vi đưa hối lộ cho cán bộ, công chức trong cơ quan để dễ dàng làm ăn, dễ dàng chiếm đoạt tiền của Nhà nước và nhân dân, làm giàu bất chính. Thu nhập của cán bộ, công chức không đủ đảm bảo nhu cầu cuộc sống đã thúc đẩy một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực khi có cơ hội. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng chưa chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên; xử lý hành vi tham nhũng chưa nghiêm, vẫn còn sự nể nang, né tránh, bao che cho những người có hành vi tham nhũng. Cải cách hành chính vẫn còn chậm, cơ chế “xin cho” chưa được khắc phục triệt để; thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu. Bên cạnh đó, việc huy động tổng thể lực lượng toàn xã hội tham gia đấu tranh chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng chưa tạo ra sự chuyển biến tích cực. Cơ chế kiểm soát chi tiêu của cán bộ, công chức trong bộ máy của nhà nước cũng như của người dân chưa thực hiện được một cách chính xác… Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, bản thân chỉ xin đề cập đến một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa hiệu quả đó là việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm và nhất là cơ chế xử lý trách nhiệm hiện nay chưa được rõ ràng.
      Tuy tổ chức bộ máy của nhà nước hiện nay của chúng ta cơ bản đã phân công, phân cấp tương đối đầy đủ; cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách mặc dù đã được quy định khá chi tiết trong nhiều văn bản pháp quy. Tuy nhiên, việc phân định trách nhiệm và cơ chế xử lý trách nhiệm kèm theo hiện nay chưa được rõ ràng nên rất khó quy trách nhiệm và xử lý khi sai phạm xảy ra.
      Hiện nay cũng có rất nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ “trách nhiệm”. Một số cho rằng “trách nhiệm” là nghĩa vụ, nhiệm vụ, bổn phận, quyền hạn. Nhưng cũng có người hiểu “trách nhiệm” là “bổn phận phải thực hiện và còn là điều không được làm, được làm, phải làm và nên làm” hoặc “trách nhiệm là những gì mà họ buộc phải làm và phải chịu sự giám sát của người khác” . Nhìn chung, các quan niệm đều tiếp cận trách nhiệm theo nghĩa là nghĩa vụ, nhiệm vụ, bổn phận, quyền hạn. Tức “trách nhiệm” là nghĩa vụ, bổn phận phải làm, nên làm, được làm hoặc không được làm, có thể từ sự tự nguyện, tự giác hay buộc phải thực hiện do yêu cầu, đòi hỏi của các quy phạm xã hội (pháp luật, đạo đức...). Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác cần phải hiểu trách nhiệm là “chịu trách nhiệm” với nghĩa là phải gánh chịu một hậu quả bất lợi nào đó mà cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hoặc người được giao nhiệm vụ khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ, trách nhiệm được giao phó.
      Quan điểm cá nhân cho rằng, tất cả góc độ quan niệm về trách nhiệm trên đây đều có những điểm hợp lý và tùy vào mục đích mà có thể vận dụng sao cho phù hợp, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước hiện nay cần phải tiếp cận  thuật ngữ trách nhiệm theo hướng kết hợp cả hai cách hiểu trên đây. Nghĩa là, khi bàn về trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và trách nhiệm của người cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hoặc người được giao nhiệm vụ nói riêng cần phải được xem xét cả hai nhóm yếu tố: Một là, những việc nên làm, phải làm, được làm (nghĩa vụ, quyền); Hai là, việc chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những việc nên làm, phải làm, được làm đó.
      Điều này cũng phù hợp với cách hiểu về “trách nhiệm” trong Từ điển Tiếng Việt. Theo từ điển Tiếng Việt, “trách nhiệm” được hiểu như sau: 1. phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả; 2. sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của họ, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả. Đây là một cách hiểu hợp lý, đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, trong đó, vế thứ nhất được coi là tiền đề, là nguyên nhân, vế thứ hai, là hệ quả tất yếu.
      Từ những phân tích trên đây, có thể hiểu: Trách nhiệm là những việc nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt, nếu kết quả không tốt sẽ phải gánh chịu phần hậu quả.
      Ví dụ: Điều 28 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát có vai trò rất lớn, phạm vi kiểm sát là rất rộng, tất cả các hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự đều được kiểm sát từ khâu cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án, ra quyết định thi hành án… đến tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả thi hành án và nếu như trong quá trình thi hành án nếu có những nội dung gì hoặc hành vi của chấp hành viên không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
      Và khoản 2, Điều 12 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự…” Và quy định các quyền kèm theo nhằm đảm bảo cho việc thi hành án dân sự kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Như vậy, việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên khi giải quyết vụ việc thi hành án thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát; việc thi hành án có kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật hay không thì viện kiểm sát và kiểm sát viên được phân công phải chịu trách nhiệm lớn nhất.
      Tuy nhiên, thực tế trong suốt quá trình giải quyết vụ việc thi hành án và cả qua công tác kiểm sát trực tiếp hàng năm của cả ba cấp kiểm sát thì vẫn có rất nhiều sai sót, vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên; thậm chí là có rất nhiều vụ việc dẫn đến đương sự yêu cầu bồi thường cả hàng chục tỷ đồng nhưng trong các vụ việc nói trên chưa bao giờ đề cập đến “trách nhiệm” của Viện kiểm sát cũng như kiểm sát viên kiểm sát vụ việc. Đây là một bất cập rất lớn, bởi  trong quá trình giải quyết vụ việc thi hành án, kiểm sát viên là người tham gia kiểm sát từ khi chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án, ra quyết định thi hành án, kê biên, bán đấu giá, giao tài sản và kết thúc vụ việc nhưng khi xảy ra sai sót, vi phạm thì hầu như chỉ xét đến “trách nhiệm” của chấp hành viên mà gần như không đề cập đến trách nhiệm của kiểm sát viên, mặc dù kiểm sát viên là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật của chấp hành viên (đáng lẽ kiểm sát viên phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc).
      Hoặc vấn đề bảo vệ rừng: Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và có nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể, trong đó xác định bảo vệ rừng là nhiệm của toàn dân, toàn xã hội và theo Khoản 4, Điều 102, Luật Lâm nghiệp quy định thì  “Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý”. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng xảy ra liên tục, các phương tiện truyền thông, báo chí nêu rất nhiều nhưng trách nhiệm thuộc về ai (Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, chủ rừng hay lực lượng kiểm lâm) chưa được xác định rõ và cơ chế xử lý trách nhiệm thì chưa được quan tâm, dư luận xã hội đang đặt ra nhiều nghi vấn.
      Một công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đó là công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, kiểm toán. Các hoạt động này có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực tế trong những năm qua, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, kiểm toán đã thể hiện rất tốt vai trò của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm xử lý; những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành được phát hiện; các hạn chế, khuyết điểm được khắc phục, chấn chỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thậm chí là cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, “không có vùng cấm”; thu hồi rất nhiều tiền, tài sản, đất đai cho Nhà nước… Tuy nhiên, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, kiểm toán còn những hạn chế, bất cập, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều vụ việc phát hiện cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, kiểm toán còn “bỏ lọt” rất nhiều vi phạm, sai phạm liên quan đến tài sản, ngân sách nhà nước thậm chí đặc biệt nghiêm trọng (việc “bỏ lọt” này thực tế rất nhiều vụ việc thuộc về lỗi chủ quan của cơ quan, người làm công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, kiểm toán) nhưng “trách nhiệm” của các cơ quan, cán bộ tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán thì gần như vẫn chưa được xử lý rõ ràng.
      Chính vì vậy, để công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao và thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta việc đẩy lùi tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí thì ngoài việc tập trung thực hiện những nhiệm vụ  trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng…” thì cần phải tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực, phân định rõ thẩm quyền, phân định rõ chức năng, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cán bộ, công chức, đảng viên với từng vị trí nhiệm vụ công tác; vai trò phải đi đôi trách nhiệm, phải gánh chịu một hậu quả bất lợi nào đó mà cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hoặc người được giao nhiệm vụ khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ, trách nhiệm được giao phó. Mặt khác, cần phải phân định rõ phân định rõ thẩm quyền của từng cấp kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán. Tránh tình trạng một cơ quan có quá nhiều cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát, kiểm toán trong khi có cơ quan hầu như không có cơ quan nào kiểm tra, thanh tra; không thể một cơ quan có vai trò, quyền hạn quá lớn nhưng lại không phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm từ quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát, kiểm toán./.


Theo Minh Quân

Các tin đã đưa ngày: