Sign In

XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

26/06/2020

           Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, cũng là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để công dân tham gia việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân, thực hiện việc khiếu nại, tố cáo trái qui định và có những hành vi phạm pháp luật trong khiếu nại, tố cáo. Nhiều trường hợp, việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng qui định pháp luật nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến nhiều ngành, nhiều cấp, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước,  cũng như làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
            Mặc dù, theo qui định pháp luật, đối với những hành vi vi phạm trong khiếu nại, tố cáo đã có những biện pháp chế tài cụ thể, nhưng trên thực tế việc xử lý những hành vi phạm vi phạm chưa thực sự đảm bảo triệt để, nghiêm minh theo qui định pháp luật, chưa đủ sức răn đe, nên dẫn đến việc xem thường, không tôn trọng pháp luật của đối tượng vi phạm. Đặc biệt, đối với các trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm uy tín, danh dự cơ quan, tổ chức, cá nhân người có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan  chức năng cần phải kiên quyết xử lý nghiêm minh.
Theo khoản 5, 6 và 7 Điều 6 của Luật Khiếu nại năm 2011, các hành vi bị nghiêm cấm trong khiếu nại gồm:“...5. Cố tình khiếu nại sai sự thật - 6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng - 7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác - 8. Vi phạm quy chế tiếp công dân.”
Và việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại đối với người khiếu nại được qui định tại Điều 68 của Luật Khiếu nại năm 2011 cụ thể như sau: “ Người nào có một trong các hành vi quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
            Trong tố cáo thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018: “….10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo - 11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo - 12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác - 13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
           Điều 65 của Luật Tố cáo 2018 qui định về  xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
            Từ các qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo nêu trên cho thấy: Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khiếu nại, tố cáo tương đối rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, tại địa bàn tỉnh Gia Lai, việc các cơ quan có chức năng, thẩm quyền tổ chức, tiến hành xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người khiếu nại, tố cáo còn bất cập, chưa đảm bảo quyết liệt, triệt để, gây khó khăn, bức xúc cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan tư pháp trên địa bàn.
Hiện nay, tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia đang tồn tại 01 vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án của vợ chồng ông Đoàn Văn Phúc, bà Lê Thị Lập; cư trú tại: 02 Trần Quí Cáp, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đối với vụ việc này, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố pleiku đã nhiều lần tổ chức đối thoại, thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án đảm bảo đúng chính sách, pháp luật; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, có văn bản trả lời và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cũng đã có Thông báo số 507/TB-TB-CTHADS ngày 05/5/2020 về việc từ chối tiếp công dân đối với ông Phúc, bà Lập theo đúng qui định. Tuy nhiên, ông Phúc, bà Lập, vẫn tiếp tục đến trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai yêu cầu giải quyết vụ việc của ông bà và thường xuyên có hành vi chửi bới, xúc phạm uy tín, danh dự của cán bộ, công chức; gây rối trật tự công cộng tại công sở và có hành vi vi phạm pháp luật khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh.
             Để hành vi vi phạm pháp luật trong khiếu nại, tố cáo được xử lý theo qui định, ngày 14/10/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 1307/CTHADS-GQKNTC đề nghị cơ quan Công an thu thập chứng cứ để có biện pháp xử lý đối với ông phúc, bà lập về việc thực hiện không đúng quy định pháp luật trong khiếu nại, tố cáo, nhiều lần phát tán hình ảnh cá nhân Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh trái pháp luật; tố cáo sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, gây rối trật tự công cộng tại trụ sở cơ quan nhà nước. Đến ngày 13/3/2020 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai tiếp tục có Văn bản số 298/CTHADS-GQKNTC đề nghị cơ quan Công an xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với ông Phúc, bà Lập theo qui định pháp luật. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan Công an vẫn chưa có biện pháp xử lý, trong khi đó ông Phúc, bà Lập hàng ngày, hàng tuần vẫn tiếp tục đến trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai liên tục chửi bới, gây mất trật tự, tạo áp lực để buộc giải quyết vụ việc của ông bà, mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo đúng qui định pháp luật.
            Thiết nghĩ, những hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng Phúc Lập đủ điều kiện để cơ quan Công an tiến hành việc xử phạt hành vi vi phạm qui định về trật tự công cộng theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội. Từ đó làm cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Phúc, bà Lập về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 khi ông Phúc, bà Lập còn tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm nêu trên. Việc xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp trong khiếu nại, tố cáo đối với vợ chồng Phúc Lập đó là biệp pháp chế tài cần thiết nhằm đảm bảo tính răn đe cho những đối tượng cố tình xem thường, không tuân thủ pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. 
                                                                         Nguyễn Hữu Đức Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại tổ cáo
 
 

Các tin đã đưa ngày: