Sign In

Khó khăn giao con theo bản án

28/04/2016

Khó khăn giao con theo bản án
Phía sau những bản án ly hôn là nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của những đứa trẻ. Nhiều trường hợp con không được sống với cha hoặc mẹ theo bản án của tòa, buộc cơ quan chức năng phải tiến hành cưỡng chế để thi hành án giao con. 

Tòa giao cho cha,  ngoại giấu cháu  

Sau một thời gian chung sống với nhau có 3 mặt con, hôn nhân của anh D. và chị B. đổ vỡ, được tòa xử ly hôn. Do làm ăn xa, không có điều kiện chăm sóc con nên chị B. đồng ý để anh D. nuôi dưỡng 3 con chung và thỏa thuận giữa hai bên được tòa chấp nhận. Tuy nhiên, anh D. chỉ được giao 2 bé, còn bé K. (sinh năm 2010) thì ông bà ngoại giữ lại vì cho rằng, anh nhận 2 bé rồi nên để một đứa ở với ngoại. Nhiều lần anh đến nhà đòi bé K. nhưng lần nào cũng bị ông bà ngoại giấu bé đi. Cuối cùng, anh D. đành nhờ cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phụng Hiệp can thiệp.

Tuy nhiên, khi cán bộ thi hành án xuống làm việc thì ông bà ngoại đem K. gửi sang nhà khác, khiến cán bộ cũng không thể thi hành bản án được. Nhiều lần thuyết phục không thành, chấp hành viên phụ trách vụ án quyết định trao đổi với anh D. và ông ngoại bé K. để anh D. được gặp bé trong 1 giờ, nếu bé đồng ý theo anh thì ông bà ngoại phải giao bé, ngược lại thì anh D. để bé K. sống với ngoại. Phương án này được cả hai bên đồng ý.

Sau 1 giờ gần cháu, cuối cùng bé K. chịu theo anh D. về nhà, còn ông bà ngoại của bé cũng không phản đối. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc giao con cũng thành công như vậy.

Như trường hợp của anh H., sau khi ly hôn với chị T. tòa giao quyền nuôi dưỡng con nhỏ cho chị, nhưng anh H. nhất quyết không chịu giao bé; vận động, thuyết phục mấy cũng không có kết quả. Cuối cùng, cơ quan thi hành án phải tiến hành cưỡng chế giao cháu cho chị T. theo bản án.

Cân nhắc giữa lý và tình

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, đối với trường hợp người phải thi hành án hoặc người được giao trông giữ người chưa thành niên, không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền quyết định phạt tiền. Trong thời gian 5 ngày sau khi phạt tiền mà vẫn không chấp hành thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế, buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Cán bộ THADS huyện Phụng Hiệp đang trao đổi
giải quyết khó khăn về một trường hợp giao con theo bản án. 

Mặc dù quy định của luật chặt chẽ như vậy, nhưng việc giao con theo bản án ly hôn luôn là thách thức đối với bất kỳ chấp hành viên nào thụ lý vụ việc, vì đối tượng thi hành án ở đây là con người. Đành rằng bản án có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên, trong trường hợp đứa trẻ không chịu về với người này hoặc người kia vì lý do nào đó thì chấp hành viên cũng khó cưỡng chế.

Ông Hồ Thanh Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Đối với những trường hợp giao con theo bản án, cơ quan THADS đều kết hợp cùng với các hội, đoàn thể cơ sở tổ chức vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện chấp hành, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải cưỡng chế. Những đứa trẻ không phải là vật vô tri, vô giác, cha mẹ ly hôn thì chúng đã gặp thiệt thòi, nếu cưỡng chế để chúng sống với người mà chúng không thích thì lại làm tổn thương chúng thêm một lần nữa”.

Trong thực tế, về mặt pháp lý, nếu sau khi vận động, thuyết phục mà các bên vẫn không chịu giao đứa trẻ theo quy định thì cơ quan thi hành án có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc cao hơn là đề nghị xử lý hình sự về tội không chấp hành án, tuy vậy, xét về tình thì rất khó cho cơ quan thi hành án tiến hành xử lý những trường hợp này.

Phương án khả dĩ nhất là nếu người trực tiếp được giao con không đảm bảo được cuộc sống tốt về vật chất và tinh thần cho đứa trẻ, thì người không được giao quyền nuôi con có thể yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó, không gây khó cho cơ quan thi hành án và tránh được vi phạm pháp luật khi giữ đứa trẻ trái phép. 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO


Theo Báo Hậu Giang Online

Các tin đã đưa ngày: