Chuyên đề đã đánh giá được công tác CCHC của Hệ thống cơ quan THADS tỉnh Hậu Giang ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, hiệu quả công việc ngày càng rõ nét, việc công khai và tổ chức giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng tốt hơn, rút ngắn thời gian tiếp nhận và trả kết quả, giảm chi phí và phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác CCHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho nguời dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin trực tiếp trên Trang thông tin điện tử Cục THADS tỉnh Hậu Giang một cách dễ dàng, từ đó tạo được sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm, trình độ chuyên môn , nghiệp vụ của công chức, người lao động ngày càng được nâng lên. Bên cạnh, những mặt làm được các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Qua sinh hoạt chuyên đề đã rút ra được 05 bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành.
|
|
Để nâng cao được hiệu quả công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, Chi bộ Cục THADS tỉnh đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, cụ thể như sau:
Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC
- Coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC đối với các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện các mục tiêu CCHC, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ.
- Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân về TTHC từ đó điều chỉnh các nhiệm vụ CCHC cho phù hợp với tình hình thực tế đi vào lòng người dân.
- Tiếp tục quan tâm, lãnh chỉ đạo sâu sát công tác CCHC tại các cơ quan Thi hành án dân sự, trên cơ sở bám sát các tiêu chí thi đua hàng năm, cụ thể hóa trong kế hoạch cải cách hành chính của Cục THADS tỉnh.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ công chức, người lao động trong hệ thống, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
- Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu phải gắn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của đơn vị. Đây là một tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân.
- Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
- Lãnh đạo đơn vị phải nắm bắt toàn diện, cụ thể quá trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết công việc tại bộ phận một cửa, đảm bảo chính xác và quản lý chặt chẽ hơn.
- Đảm bảo công tác thỉnh thị báo cáo về công tác CCHC, triển khai trong nội bộ xây dựng các mô hình cải cách hành chính. Đồng thời, chủ động tham gia nghiên cứu các giải pháp đơn giản hóa về thủ tục, giấy tờ, rút ngắn quy trình thi hành án.
Hai là, Bố trí nguồn lực cho CCHC:
- Về nguồn lực con người: tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, cho đội ngũ công chức phụ trách CCHC; quan tâm, tạo điều kiện cho công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về CCHC. Phân công công chức có trình độ chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững các quy định về pháp luật, nắm vững quy trình thủ tục giải quyết công việc; có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; tác phong thái độ chuẩn mực, khả năng giao tiếp tốt với cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Về nguồn lực tài chính: bố trí kinh phí đảm bảo cho việc triển khai các nhiệm vụ CCHC.
- Nghiên cứu, triển khai và áp dụng kịp thời Mô hình khung quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2015 theo chỉ đạo của Tổng cục THADS.
- Tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời, chính xác, đảm bảo thủ tục hành chính áp dụng đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện.
Ba là, Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là trong giải quyết thủ tục hành chính trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư
(Công nghiệp 4.0). Từ đó, giúp cho hoạt động của cơ quan được hiệu quả, công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và xã hội:
- Tăng cường sử dụng có hiệu quả các Phần mềm của Trung ương và chính quyền địa phương đã triển khai.
- Tăng cường áp dụng chữ ký số, trao đổi văn bản, tài liệu dưới dạng điện tử, không sử dụng văn giấy; tích cực sử dụng các dịch vụ công trong các giao dịch điện tử qua mạng.
- Chủ động nghiên cứu thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đề xuất với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp.
Bốn là, Tích cực tham gia nghiên cứu các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất ý kiến góp ý phù hợp với tình tình thực tiễn đời sống xã hội.
Năm là, Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính tại Cục và các Chi cục THADS trực thuộc, phát huy năng lực của công chức phụ trách lĩnh vực tài chính ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
Sáu là, Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện CCHC, kịp thời khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bảy là, Tạo động lực trong CCHC
- Về phía người dân: Cần tuyên truyền sâu rộng mục tiêu, lợi ích của cải cách hành chính mang lại để người dân, tổ chức có ý thức về quyền, nghĩa vụ của mình để ủng hộ những chủ trương cải cách.
- Về phía đội ngũ công chức, người lao động: phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, quan tâm đến nâng cao lợi ích của công chức, người lao động, đánh giá công chức dựa trên kết quả công việc, thực hành dân chủ trong cải cách.