Án dân sự tồn đọng cần được phân thành nhiều loại

07/06/2011
Vụ Hợp tác quốc tế và Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) – Bộ Tư pháp vừa phối hợp với Dự án JICA tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xử lý án dân sự tồn đọng”.


Bên cạnh những thành tựu đã được ghi nhận thì trong lĩnh vực THADS vẫn tồn tại một số lượng lớn bản án, quyết định đã có hiệu lực chưa được thi hành, gây bức xúc dư luận, nhất là người được THA và người phải THA. Thống kê đến ngày 31/3/2011 cho thấy, số việc THADS tồn đọng còn phải thi hành tính từ khi chuyển giao công tác THADS từ Tòa án sang cho Chính phủ quản lý (tháng 7/1993) là 285.482 việc với gần 24,2 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân của án tồn thì rất nhiều, trong đó không thể không nói tới trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ THA và Chấp hành viên. Tuy nhiên, trong trường hợp là do người phải THA cố tình chây ỳ, cản trở không thực hiện quyết định THA mặc dù có tài sản, có điều kiện để THA. Thậm chí, một số vụ việc THA đã được cơ quan THADS mất nhiều công sức lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế; song vẫn không thể tiến hành được bởi cơ quan có thẩm quyền ra văn bản yêu cầu hoãn THA hoặc kháng nghị rồi… mất hút không trả lời khiến đương sự khiếu nại gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết việc THA của Chấp hành viên. Cục trưởng Cục THADS TP. Hà Nội Lê Quang Tiến dẫn chứng: Thi hành bản án của TANDTC xét xử về việc tranh chấp đòi nhà số 63 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, bị đơn Vũ Mạnh Chí có những hành vi tiêu cực để chống đối. Hà Nội đã thống nhất cưỡng chế đối với ông Chí vào ngày 26/6/2009 thì 15h30 ngày hôm trước có Thông báo của TANDTC yêu cầu tạm hoãn THA trong thời hạn 90 ngày để xem xét nội dung khiếu nại của ông Chí. Vậy mà đến nay, đã gần 2 năm, Chánh án TANDTC vẫn chưa có văn bản trả lời khiếu nại của đương sự khiến vụ việc bị xếp vào án tồn đọng. Theo đánh giá của Tổng cục, việc gọi chung tất cả việc, tiền THADS bao gồm cả việc có điều kiện THA và việc không có điều kiện là “án tồn đọng” khiến lượng án tồn tăng rất cao, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, nên chăng cần phân rõ thành nhiều loại khác nhau như việc dân sự để sang kỳ sau, hồ sơ THADS tồn đọng, quyết định THADS tồn đọng. Cục trưởng Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, án có điều kiện thi hành mà đến kỳ báo cáo (tháng 3 hàng năm) chưa thi hành thì nên coi là án đang được thi hành chứ không phải là án tồn. Đồng tình, ông Tiến cho biết, cứ đến kỳ báo cáo bị “quy” là án tồn đọng là chưa thật hợp lý và đề xuất không “đánh đồng” tất cả các việc dân sự vì “án tồn 5 năm phải khác án tồn 10 năm chứ”. Cẩm Vân