Sign In

Công văn về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

15/01/2020

Thực hiện chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Chỉ đạo của Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng, chống tham nhũng.
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình yêu cầu đồng chí Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 06/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu. Duy trì nề nếp lịch trực tiếp công dân, chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân ngay tại cơ sở.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp. Tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
2. Công tác phòng, chống tham nhũng.
- Ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng chống tham nhũng, lãng phí theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh.
- Tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan phải thật sự gương mẫu về đạo đức, lối sống. Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan do mình quản lý.
- Thực hiện đảm bảo việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, công tác cán bộ, các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản thu nhập.
- Tích cực chỉ đạo thi hành án các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế. Tiến hành xác minh kịp thời, chính xác và kiên quyết thi hành đối với các việc có điều kiện thi hành án.
- Chỉ đạo thực hiện đảm bảo các quy định về kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án; các quy định quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án. Nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được nêu trong quá trình kiểm tra, kiểm sát.
Yêu cầu Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: