Sign In

Sự hình thành và phát triển của Hệ thống Thi hành án dân sự (19/7/1946-19/7/2020)

15/07/2020

Sự hình thành và phát triển của Hệ thống Thi hành án dân sự (19/7/1946-19/7/2020)
      Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với nhiệm vụ xóa bỏ bộ máy nhà nước của chế độ cũ, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng là bắt tay vào xây dựng bộ máy nhà nước cách mạng để bảo vệ và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Hệ thống các cơ quan tư pháp là một bộ phận cấu thành quan trọng của bộ máy nhà nước, là công cụ đắc lực bảo vệ chế độ mới đã nhanh chóng được thiết lập. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành Tư pháp nước ta. Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 đã thành lập các Tòa án quân sự, bước đầu thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của chế độ mới. Và ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL - Một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Chính phủ ban hành một văn bản pháp lý độc lập quy định về thể thức bản toàn sao, bản trích sao án được đưa ra thi hành, trách nhiệm thi hành những mệnh lệnh, lệnh, án của Tòa án, đồng thời, để đánh dấu sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với sự trưởng thành cũng như những đóng góp quan trọng, tích cực của hệ thống THADS đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, ngày 05/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 397/QÐ-TTg, chính thức lấy ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống THADS”.
        Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển là chặng đường đầy gian khó để THADS xác định cho mình một chỗ đứng, một vị thế, một mô hình tổ chức phù hợp, phản ánh đúng vị trí, vai trò, đồng thời phát huy hiệu quả của THADS trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. 74 năm THADS luôn gắn liền với nhiệm vụ cách mạng và quá trình xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước qua các thời kỳ, giai đoạn và không tách rời lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp, ngành Tòa án với những điểm mốc quan trọng sau:
      - Giai đoạn từ tháng 8/1945 đến năm 1950
      Cùng với sự ra đời của Bộ Tư pháp và tổ chức Tòa án, ngày 24/01/1946 - năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó quy định Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của chính quyền cách mạng nhân dân đặt nền móng cho sự ra đời về tổ chức và hoạt động của THADS, khẳng định hoạt động THADS đã sớm trở thành công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám. Như vậy, THADS trong giai đoạn này do Thừa phát lại - thiết chế đã tồn tại trước cách mạng Tháng 8 được tạm giữ lại theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945 và Ban tư pháp xã -thực hiện. Giai đoạn này, mặc dù cơ cấu tổ chức của thiết chế THADS còn rất đơn giản, số lượng cán bộ ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song Ban Tư pháp xã và Thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của Thẩm phán, giúp “các giá trị của sự xét xử của thẩm phán Việt Nam được công nhận”, xây dựng nền tư pháp hiệu lực, tin cậy, góp phần “bảo toàn được chủ quyền quốc gia về phương diện tư pháp, giữ được uy tín của tư pháp một nước Độc lập”, đồng thời, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển của nền tư pháp mới thể hiện bản chất dân chủ của chế độ dân chủ nhân dân.
      Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tư pháp nói chung, THADS nói riêng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc kháng chiến gian khổ của cả dân tộc. Ngay trong năm 1948, ngành Tư pháp đã khẩn trương xây dựng một nền “tư pháp kháng chiến”, “mở mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp”. Cán bộ tư pháp trở thành “người chiến sỹ trên mặt trận tư pháp”, xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, nhiều cán bộ bị thương, hy sinh như tại Bắc Ninh, Quảng Bình… để “tranh giành với giặc công việc xử án cho dân” bởi đó là tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ nét nhất, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng non trẻ.
          Năm 1950, trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, đất nước ta thực hiện cải cách tư pháp lần thứ nhất để xây dựng nền “tư pháp nhân dân”, nền tư pháp phản ánh đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những giá trị dân chủ, tiến bộ của chế độ mới. Để “công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng được hợp lý hơn và giản dị hơn” và “để giải quyết mau chóng những việc cấp bách về mặt Hộ, tránh sự thiệt hại cho đương sự và khỏi tổn phí cho đương sự phải lên Tòa án tỉnh”, Sắc lệnh số 85-SL ngày 22-5-1950 đã khẳng định việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua hoạt động THADS là trách nhiệm của Nhà nước, của chế độ và giao “Thẩm phán huyện có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hoặc tòa án trên đã tuyên”. Như vậy, công tác THADS có sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động, việc THADS được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án thay vì Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây, từ đó, cho thấy vai trò và vị trí của THADS ngày càng được nâng cao.
  • Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1980
Thi hành Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Theo quy định này, tại các Tòa án nhân dân đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự thay vì chế độ Thẩm phán kiêm nhiệm trước đó. Ngày 14 tháng 11 năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án. Giai đoạn này, công tác tòa án nói chung và hoạt động THADS nói riêng đã tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm “đúng hướng, vững chắc, có nội dung chính trị rõ rệt, nắm vững vấn đề tăng cường chuyên chính và bảo đảm dân chủ, gắn chặt với các nhiệm vụ chính trị của thời chiến, có tác dụng lớn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm: chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
  • Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2008
Hiến pháp năm 1980, bản Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước, lần đầu tiên đã hiến định nguyên tắc “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật” (Điều 12) và “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 137), qua đó tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án. Cụ thể hóa quy định nêu trên, Điều 16 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp “quản lý các Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức”, trong đó có công tác thi hành án dân sự, đồng thời, bảo đảm “phối hợp chặt chẽ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao trong việc thực hiện nhiệm vụ này”.
Từ năm 1986, đất nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), bản Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đã khẩn trương thể chế hoá đường lối của Đảng thông qua việc khẳng định yêu cầu xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992 lần đầu tiên đã xác định “quản lý công tác thi hành án” là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp. Trong tinh thần đó, hoạt động THADS đã được nâng lên tầm pháp lệnh vào các năm 1989, 1993 và năm 2004 tạo bước ngoặt quan trọng về tổ chức và hoạt động THADS với những quy định chặt chẽ, hợp lý, đúng đắn, phù hợp hơn với tinh thần dân chủ, góp phần bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi của đương sự và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đất nước thời kỳ đổi mới. Và điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn này đó là cơ chế THADS đã kết hợp giữa quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của Nhà nước (từ Pháp lệnh THADS năm 1989); THADS đã chuyển từ một bộ phận cấu thành của Tòa án sang một bộ phận cấu thành của cơ quan hành chính (từ Pháp lệnh THADS năm 1993) và từng bước được tổ chức tập trung, thống nhất, theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương (từ Pháp lệnh THADS năm 2004). Việc chuyển giao công tác THADS từ TAND sang cơ quan thuộc Chính phủ và được giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ thực hiện phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta, nhằm thống nhất công tác hành chính - tư pháp của Chính phủ, tạo điều kiện để Toà án tập trung thực hiện nhiệm vụ xét xử theo quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
  • Giai đoạn từ năm 2008 đến nay
Năm 2008, lần đầu tiên một đạo luật về THADS được Quốc hội thông qua, theo đó, hệ thống THADS đã được nâng lên một vị thế mới, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cụ thể: Cục THADS thuộc Bộ Tư pháp được nâng cấp lên Tổng cục THADS; THADS cấp tỉnh được nâng cấp lên Cục THADS trực thuộc Tổng cục THADS và THADS cấp huyện được nâng cấp lên Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS cấp tỉnh. Cơ chế quản lý từ chỗ song trùng trực thuộc trước đó chuyển sang cơ chế quản lý tập trung, thống nhất, theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Năm 2014, Luật Thi hành án dân sự tiếp tục được sửa đổi, bổ sung với những quy định mới nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Ghi nhận và tin tưởng về những kết quả đạt được trong công tác THADS với tư cách là một cơ chế bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, tư pháp, vừa qua ngành Tư pháp mà trực tiếp là hệ thống THADS đã được Quốc hội, Chính phủ giao thêm chức năng quản lý nhà nước và chức năng đôn đốc, theo dõi về thi hành án hành chính theo Luật tố tụng hành chính năm 2010, 2015. Đây tiếp tục là một lĩnh vực đặt ra những thách thức mới cho hệ thống THADS trong việc khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
      Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các thế hệ cán bộ THADS đã nối tiếp nhau nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, cống hiến công sức và trí tuệ với nhiều thành tựu, đóng góp nổi bật, quan trọng trong suốt những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân với những thành tích đã đạt được rất to lớn.
Thực hiện Luật THADS năm 2008, Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, đến nay, hệ thống THADS đã được xây dựng, kiện toàn thành một hệ thống tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương với 08 Vụ và tương đương thuộc Tổng cục, 63 Cục THADS ở cấp tỉnh và 710 Chi cục THADS ở cấp huyện và hơn 11.000 công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống. Cùng với đó, Hệ thống THADS trong Quân đội cũng đã được kiện toàn với Cục Thi hành án, Phòng Thi hành án quân khu và tương đương.
      Hiện nay, số lượng án phải tổ chức thi hành về việc và về tiền không ngừng tăng cao qua các năm, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thể chế pháp luật về THADS và tổ chức, bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện và đặc biệt tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, song các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án về việc, về tiền được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 37/2012/QH13, nay là Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội đã được tập trung thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, ngày càng bền vững, thực chất. Kết quả THADS về việc và về tiền cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao và có xu hướng bền vững qua các năm. Những kết quả THADS nêu trên đã và đang góp phần tích cực, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt như góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng hay nâng cao an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
      Đối với Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai:
      Từ thời điểm nhận bàn giao từ TAND tỉnh năm 1993, toàn tỉnh có 12 đơn vị thi hành án, gồm 01 Phòng và 11 Đội, với 13 cán bộ, công chức, trong đó có 11 Chấp hành viên và 2 cán bộ thi hành án. Cùng với sự phát triển, thay đổi của các đơn vị hành chính trong tỉnh, số lượng cơ quan THADS ngày càng tăng thêm: năm 1997 thành lập Đội THADS huyện Ia Grai; năm 2001, thành lập Đội THADS huyện Đak Đoa (tách ra từ huyện Mang Yang); năm 2003 thành lập Đội THADS huyện Đak Pơ (tách ra từ huyện An Khê); năm 2004, thành lập Đội THADS huyện Ia Pa (tách ra từ huyện Ayun Pa); năm 2007, thành lập Đội THADS huyện Phú Thiện (tách ra từ thị xã Ayun Pa). Thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27/8/2009 của Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành quyết định thành lập THADS huyện Chư Pưh.
      Căn cứ Quyết định số 2917/QĐ-BTP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai; Ngày 11/12/2009, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã phối hợp tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.
      Đến nay, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, bộ máy đã lớn mạnh, gồm: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai có 05 Phòng chuyên môn (Văn phòng, Tổ chức cán bộ, Tài chính - Kế toán, Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo) và 17 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (Chi cục THADS thành phố Pleiku, 02 Chi cục THADS thị xã An Khê và Ayun Pa, 14 Chi cục THADS huyện).
      * Bộ máy lãnh đạo có: Cục trưởng, 03 Phó Cục trưởng, 05 Trưởng phòng, 08 Phó trưởng phòng, 17 Chi cục trưởng, mỗi Chi cục có từ 01-02 Phó Chi cục trưởng (riêng Chi cục THADS TP Pleiku có 03 Phó Chi cục trưởng).
       * Cơ cấu ngạch công chức: Có 78 Chấp hành viên (trong đó: 19 Chấp hành viên trung cấp, 59 Chấp hành viên sơ cấp), 02 Thẩm tra viên chính, 13 Thẩm tra viên, 28 Thư ký Thi hành án (trong đó 22 Thư ký THA và 06 Thư ký trung cấp THA), 22 kế toán (trong đó có 03 kế toán trưởng và 13 phụ trách kế toán), 06 chuyên viên và 16 công chức khác.
      27 năm qua, Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; những thành tích đó được Đảng, Nhà nước và cấp trên ghi nhận: Chủ tịch nước tặng thưởng 02 Huân chương lao động hạng 3 (01 tập thể và 01 cá nhân); Chính phủ tặng 01 cờ thi đua; Thủ tướng Chính phủ tặng 07 Bằng khen (04  tập thể và 03 cá nhân); Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tặng cơ thi đua cho 04 tập thể; Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua 09 tập thể. Ngoài ra, nhiều tập thể cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen, công nhận Chiến sĩ thi đua Ngành, Chiến sĩ thi đua cơ sở…
      Tự hào nhìn lại chặng đường 74 năm qua của Hệ thống THADS cả nước và  chặng đường 27 năm của Hệ thống THADS tỉnh nhà, có thể khẳng định, những thành tựu đã đạt được là sự nỗ lực hết mình của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động THADS qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước. Những thành tựu đó đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác THADS. Những thành tựu đã đạt được là công cụ đắc lực của Tư pháp Việt Nam góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN./.
                                                                                                                                       Theo Nguyễn Thành Long

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: