Với tinh thần trách nhiệm cao, hai ngành đã đánh giá khách quan, thẳng thắn công tác phối hợp thời gian qua, nhận diện được các mặt tích cực cần phát huy, hạn chế cần phải khắc phục. Trong đó, với sự chặt chẽ trong phối hợp, từ khi Quy chế được ban hành, ngành thi hành án đã tổ chức thi hành được 432 vụ việc với 496 tỷ đồng, góp phần tích cực trong tổng số 1.087 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, thu hồi của các TCTD trên địa bàn. Hội nghị cũng đã thống nhất sửa đổi, bổ sung các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động vào Quy chế phối hợp của 2 ngành, làm cơ sở để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác tổ chức, thi hành án tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới. Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến phát biểu thẳng thắn, đóng góp xây dựng của đại diện các TCTD, ngành Thi hành án, điều này đã góp phần tích cực, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án, đặc biệt đối với từng vụ việc cụ thể.
Đ/c Đồng VănThanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có các ý kiến đánh giá chỉ đạo sâu sát, toàn diện các mặt phối hợp của hai ngành. Trong đó, đánh giá cao và xác định rõ các nội dung phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quá trình thi hành án; phối hợp, kiểm tra việc thi hành án, tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp giữa hai ngành để đối thoại giải quyết án; tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ được nâng cao… đã giúp cho lượng án, lượng tiền được giải quyết, thu hồi tăng qua các năm, hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, một vài nội dung phối hợp vẫn còn hạn chế, như tổ chức thực hiện Quy chế chưa quyết liệt, có lúc có biểu hiện buông lỏng; năng lực của một số Chấp hành viên, cán bộ nghiệp vụ ngân hàng còn yếu; chất lượng công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong thi hành các án chưa cao… dẫn đến tỷ lệ lượng án, lượng tiền giải quyết tăng không đáng kể, trong khi án tín dụng phát sinh mới ngày càng tăng.
Để phát huy có hiệu quả nội dung phối hợp trong thời gian tới, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đồng Văn Thanh, các nội dung Quy chế được sửa đổi, bổ sung, trong thời gian tới lãnh đạo hai ngành sẽ tập trung làm tốt một số nội dung sau: (1) Tích cực tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố đối với hoạt động thi hành án để huy động hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động thi hành án, trong đó có án tín dụng, ngân hàng; (2) Tổ chức rà soát, đối chiếu từng vụ việc để loại, không tiếp tục theo dõi nếu không có hoặc không còn điều kiện thi hành án; (3) duy trì, cải tiến phương pháp làm việc, nhằm thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã được giao. Thường xuyên rà soát, đánh giá các nội dung phối hợp để kịp thời sửa đổi, bổ sung; (4) Tích cực, chủ động trong việc chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, đặc biệt là việc kiểm tra, rà soát việc tổ chức thi hành các bản án cụ thể; (5) ngành Thi hành án tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo tại các Hội nghị của Ban chỉ đạo công tác thi hành án trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh; tích cực, chủ động tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo xử lý đối với các vấn đề vượt thẩm quyền hoặc cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Từng bước nâng cao tính minh bạch trong hoạt động... Thường xuyên rà soát, trao đổi thông tin về kế hoạch, tiến độ thực hiện thi hành án, đặc biệt đối với các vụ việc cụ thể hai Ngành cùng quan tâm; (6) Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các TCTD, ngành Thi hành án cần chủ động phối hợp với ngành Ngân hàng để bàn biện pháp xử lý phù hợp; xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng các phản ánh, kiến nghị liên quan; (7) ngành Ngân hàng tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu tài sản để giới thiệu bán tài sản thi hành án, tổ chức thực hiện mục tiêu đa chiều nêu trên. (8) Tổ chức tuyên truyền nhằm đảm bảo thống nhất trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giữa hai Ngành, đặc biệt đối với việc cấp tín dụng cho khách hàng vay có tài sản duy nhất và biện pháp, hình thức xử lý tài sản khi phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng. (9) Cần tích cực phối hợp với các ngành liên quan như Tài nguyên và Môi trường, Toà án, UBND huyện, thị xã, thành phố… Trong từng vụ việc cụ thể, phải phối hợp chặt chẽ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, báo cáo, đề xuất Ban chỉ đạo THADS tỉnh các trường hợp vượt thẩm quyền.
Đ/c Hồ La Thành – Giám đốc NHNN Hậu Giang tiếp thu ý kiến chỉ đạo
Lãnh đạo hai ngành đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức hai ngành, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và thống nhất kịp thời phối hợp, tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác này; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tham mưu, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Tổng Cục Thi hành án dân sự xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án, chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các TCTD trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo TTĐT NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH HẬU GIANG