Sign In

Gỡ khó cho công tác thi hành án dân sự

27/11/2017

Gỡ khó cho công tác thi hành án dân sự
Nội dung bản án chưa rõ ràng, sự chây ì của đương sự nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án, sự phối hợp của các cơ quan liên ngành còn hạn chế,... là một trong số những khó khăn khiến hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS) thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng.
     THADS được xem là khâu kết thúc trong hoạt động tư pháp nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đối với thi hành án hình sự, sau khi bản án tuyên đã có hiệu lực, các bị cáo thi hành bản án phải chấp hành thời hạn tù tại các trại giam, hoặc cải tạo không giam giữ. Nhưng với THADS, vì liên quan đến vấn đề tài sản, kê biên, bán đấu giá tài sản,… nên các cơ quan thực thi gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế hiện nay cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nội dung bản án còn thiếu tính khả thi. Các bản án được tuyên nhưng không thể thi hành sẽ tạo sự chây ì trong việc thực thi pháp luật.

     Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Trên địa bàn huyện có trường hợp hai bên tranh chấp thửa đất, bản án tòa tuyên chừa lối đi cho một bên nhưng trong bản án lại không nhắc đến tài sản nằm trên lối đi, dẫn đến việc khi cơ quan thi hành án xuống thực tế thì không thể triển khai. Dù là vấn đề nhỏ, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do vướng mắc từ các thủ tục.

     Bên cạnh đó, theo Cục THADS tỉnh, hai lĩnh vực THADS được xem là khó khăn nhất hiện nay liên quan đến tín dụng ngân hàng và thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của đối tượng đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam. Các đối tượng phạm tội hình sự thường không có tài sản để bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, hoặc khi chấp hành án tù xong, họ rời khỏi địa phương nên khó tổ chức THADS.
 

     Còn theo thống kê của Cục THADS tỉnh cho thấy, phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng đều phải tổ chức bán đấu giá, trong khi đó, kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án còn rất hạn chế. Năm 2017 có đến 308 vụ việc đã kê biên và có giá trị lên tới 195 tỉ đồng nhưng vẫn chưa bán được; 5 vụ việc đấu giá thành nhưng chưa thể bàn giao do vướng mắc thủ tục. Đối với các tài sản THADS đã được bán đấu giá, giá trị thường thấp hơn so với tài sản thông thường.

     Nguyên nhân được xác định là do có những vướng mắc nhất định trong công tác bán đấu giá tài sản. Cụ thể, loại tài sản này thường khó bán, phải tổ chức bán đấu giá lại nhiều lần; tình trạng khiếu kiện kéo dài của công dân liên quan đến việc xử lý tài sản, định giá tài sản. Việc niêm yết, thông báo tài sản chưa bảo đảm tính minh bạch, thủ tục rắc rối,… dẫn đến tâm lý e ngại của khách hàng khi mua tài sản.

     Để giải quyết vướng mắc này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc phải xây dựng quy trình, thủ tục cho hoạt động bán đấu giá tài sản THADS, các cơ quan chức năng cần giải quyết vướng mắc ở các văn bản pháp lý có liên quan, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thu giữ, bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, hạn chế thấp nhất trường hợp người trúng đấu giá nhưng không thể giao được tài sản.

     Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh vừa qua, đại diện nhiều cơ quan thi hành án địa phương, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã nêu lên hàng loạt khó khăn dẫn đến hạn chế trong kết quả thi hành án, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị liên quan.

     Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, cơ quan THADS luôn gặp phải sự chống đối từ phía đương sự. Chính vì thế, sự phối hợp của các ngành chức năng trong thi hành án, nhất là đối với vụ việc phức tạp, kéo dài là điều kiện quan trọng dẫn đến hiệu quả của công tác này. Thế nhưng, việc phối hợp giữa các cơ quan chưa được coi trọng và thực thi đầy đủ cũng là nguyên nhân khiến công tác THADS gặp nhiều khó khăn, bị động.

     Theo ông Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, hiện nay, có một số trường hợp sau khi tiến hành cưỡng chế giao tài sản đã có hành vi tái chiếm, tuy nhiên, việc tái chiếm lại do người thân thực hiện chứ không phải người phải thi hành án trực tiếp thực hiện dẫn đến chính quyền địa phương khó xử lý, còn cơ quan THADS cũng không có cơ chế. Để có thể giải quyết vấn đề này, ông Danh đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan THADS và UBND cấp xã thì mới có thể khắc phục tình trạng trên.

     Còn theo Cục trưởng Cục THADS Sơn Duy Oai, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 2 năm thực hiện Luật THADS sửa đổi, bổ sung, một số nội dung của luật được phản ánh là chưa phù hợp với thực tế, thiếu thống nhất với các lĩnh vực pháp luật liên quan, trong đó có việc quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong THADS.

     Cũng theo ông Oai, do THADS là một hoạt động đặc thù, có liên quan đến nhiều quy định của pháp luật như về dân sự, đất đai, xử lý tài sản… nên sự phối hợp trong quá trình thi hành án đóng vai trò rất quan trọng đến kết quả giải quyết.

     Để khắc phục những hạn chế trên, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh, yêu cầu Cục THADS tỉnh trong thời gian tới cần rà soát, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh; cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan trong Ban chỉ đạo công tác thi hành án, nhất là đối với những vụ việc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực để qua đó tháo gỡ khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất điểm nóng về công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh.
 
Cần nâng cao chỉ tiêu thi hành án
Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh: Ngành thi hành án dân sự tỉnh cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để tỷ lệ giải quyết án dân sự đạt cao so với chỉ tiêu được giao chứ không thể chỉ đặt mục tiêu là hoàn thành chỉ tiêu hàng năm do Quốc hội và Bộ Tư pháp giao. Trong đó, ngành cần tập trung tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, phức tạp, kéo dài và nếu chưa có hướng giải quyết cần báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo THADS tỉnh để tìm giải pháp, không để vì những vướng mắc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong thời gian dài dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.  
 
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO
 


Theo Hậu Giang Online

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: