Đối với các cơ quan THADS Hậu Giang, năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác tổ chức cán bộ có nhiều biến động, đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan THADS trong tỉnh. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động của ngành đã nỗ lực, phấn đấu, thực hiện cơ bản kế hoạch công tác đã được phê duyệt. Công tác kiểm tra được thực hiện quyết liệt, chất lượng và hiệu quả. Nhiều sai phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm (đạt 100% số đơn thư thuộc thẩm quyền); công tác hướng dẫn nghiệp vụ được thực hiện tương đối tốt.
Về tồn tại, hạn chế: tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong các cơ quan THADS, từ lãnh đạo Cục đến lãnh đạo chi cục và công chức, chấp hành viên; năm 2020, toàn ngành THADS Hậu Giang không đạt 02 chỉ tiêu về THADS; số việc, tiền thi hành xong đều giảm so với năm 2019 (giảm 1.027 việc và gần 154 tỷ đồng); sai sót về chuyên môn nghiệp vụ vẫn còn xảy ra ở một số chi cục; nhiều tài sản đã bán đấu giá thành nhưng chậm giao tài sản dẫn đến khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ tài sản bán đấu giá thành bị hủy cao 5/45 vụ; đáng quan tâm là tình hình nội bộ cơ quan THADS vẫn còn có biểu hiện mất đoàn kết, sức chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn rất kém, có biểu hiện thỏa hiệp với tiêu cực...
Quang cảnh Hội nghị
Trong năm 2021 và thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, nhất là tình hình dịch bệnh Covid -19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác THADS. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan THADS phải chủ động hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với cơ quan THADS tỉnh Hậu Giang, năm 2021 có một ý nghĩa đặc biệt, là cơ hội để các cơ quan THADS trong tỉnh chuyển mình, thay đổi, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, cùng với việc kiện toàn lãnh đạo Cục, sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng Cục THADS; sự ủng hộ của đa phần cán bộ, công chức trong các cơ quan THADS, lãnh đạo Cục và các chi cục sẽ yên tâm công tác, triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác THADS năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý kịp thời những sai phạm; kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ những công chức thoái hóa, biến chất, đặc biệt là công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan THADS.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đội ngũ đảng viên, công chức, người lao động. Khuyến khích, động viên, nhân rộng những nhân tố tích cực; tạo hiệu ứng lan tỏa cái tốt, bảo vệ những cá nhân có tinh thần đấu tranh với tiêu cực, tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng trong công chức, người lao động.
Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục và lãnh đạo các chi cục trực thuộc phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật; kể cả gương mẫu từ chức nếu thấy bản thân không đủ năng lực, uy tín đảm đương vị trí.
Thứ ba, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu được giao ngay từ những tháng đầu năm 2021.
Thứ tư, kịp thời kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm theo yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt lưu ý, không để tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, buông lỏng quản lý. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển gắn với đào tạo; thực hiện nghiêm chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
Thứ năm, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức; kỹ năng, năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ lãnh đạo các chi cục. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân trong quá trình tổ chức thi hành án, chủ động mời Viện kiểm sát tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ án lớn, phức tạp, phải thực sự xem hoạt động kiểm sát là giải pháp nhằm hỗ trợ quản lý, thực hiện tốt công tác THADS; tăng cường công tác giám sát đối với các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá, không để hoạt động của các tổ chức đó ảnh hưởng tới hoạt động THADS.
Thứ sáu, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các ban chỉ đạo thi hành án dân sự để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với cơ quan THADS; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS./.