Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án là một công tác hết sức quan trọng nhằm nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo quy định tại Điều 136 của Hiến pháp năm 1992 thì: “các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng thi hành án là giai đoạn tiếp theo của hoạt động xét xử nhằm thực thi các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, Tòa án ban hành những bản án, quyết định công bằng, đúng pháp luật có ý nghĩa quan trọng, nhưng yêu cầu có tính quyết định là thực thi hiệu quả những bản án, quyết định đó theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Tuy nhiên, thực trạng tổ chức thi hành án dân sự nói chung và thực trạng tổ chức thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự hiện nay còn nhiều khó khăn vướng mắc. Vì vậy, hiệu quả công tác tổ chức thi hành án đối với phần nghĩa vụ dân sự trong Bản án hình sự chưa cao, dẫn đến số lượng các vụ việc phải thi hành án dân sự còn tồn đọng hàng năm chiếm tỷ lệ lớn.