Hội thảo khoa học: Góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài “Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

19/06/2023


Đại hội Đảng khóa XIII đã xác định: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Để có thêm các căn cứ khoa học cho việc thực hiện nhiệm vụ này, ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1950/QĐ-BTP phê duyệt danh mục và kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ 2021-2025 “Quản trị nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Bộ Tư pháp. Công tác thi hành án dân sự là một nhiệm vụ ngày càng được Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, là một hoạt động quan trọng trong nền tư pháp, do đó, chương trình nghiên cứu khoa học này đã giao 01 đề tài riêng cho công tác thi hành án dân sự là “Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Vừa qua, ngày 16/6/2023, Chủ nhiệm Đề tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đã chủ trì Hội thảo khoa học với sự tham gia của gần 100 đại biểu là thành viên tham gia Đề tài, đại diện các cơ quan, Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn để lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Đề tài, Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái cho biết Đề tài khoa học này nghiên cứu toàn diện cả về mặt lý luận và thực tiễn các luận cứ để xác định các định hướng nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn tới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp... Từ đó, xác định các giải pháp cụ thể để đạt được định hướng đã đề ra. Một trong những giải pháp đột phá là Đề tài đã phối hợp với một tổ chức để cùng thực hiện đề xuất quy hoạch tổng thể giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho Hệ thống thi hành án dân sự. Qua quá trình nghiên cứu, Ban chủ nhiệm và các thành viên đã cơ bản hoàn thành các nội dung nghiên cứu và báo cáo phúc trình của đề tài, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu không tránh khỏi những điểm hạn chế nhất định, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thông qua sự tham gia nghiên cứu, phản biện, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, mang cả tính chất lý luận và thực tiễn. Đề tài đã góp phần làm rõ lý luận về hiệu quả thi hành án dân sự thông qua các tiêu chí đánh giá định tính và định lượng cũng như xác định các yếu tố quyết định và yếu tố tác động đến hiệu quả thi hành án dân sự, kết hợp với kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế và đánh giá thực trạng công tác thi hành án dân sự hiện nay. Từ đó, Đề tài đã đề ra những nhóm định hướng và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, gói gọn trong mục tiêu “rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí” cho các bên khi thi hành án. Các đại biểu cũng gợi mở thêm một số vấn đề cần làm sâu sắc hơn để hoàn thiện Báo cáo tổng hợp của Đề tài là đề nghị khảo sát thêm về tình hình thực tiễn; bổ sung thêm giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động thi hành án; xác định rõ bản chất của hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp để phân tích, làm sâu sắc hơn cơ chế kiểm soát quyền lực đặc thù đối với hoạt động này…
“Trên cơ sở kết quả Hội thảo trên, chúng tôi đã tiếp tục hoàn thiện các vấn đề nghiên cứu và Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài”, Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái nói và mong sẽ nhận được thêm ý kiến góp ý, nhất là từ các cơ quan thi hành án dân sự đối với dự thảo Báo cáo để Đề tài thực sự có ý nghĩa thực tiễn và đi vào cuộc sống.
                                        Phạm Minh Đức – Văn phòng Tổng cục