Tại Đăc Lăk: Hoàn thành việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về thủ tục thi hành án dân sự

14/05/2009

Là Hội nghị cuối cùng được tổ chức để lấy ý kiến các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Hội nghị diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăc Lăk vào ngày 08/5/2009 đã có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các tỉnh miền Trung và khu vực Tây nguyên gồm Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đăc Lăk, Kiên Giang và Đà Nẵng.



Sau lời phát biểu khai mạc của Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự và gợi ý những vấn đề cần thảo luận của Tổ phó Tổ Biên tập, các đại biểu đã sôi nổi phát biểu ý kiến, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tâm huyết đối với dự thảo văn bản về thủ tục thi hành án dân sự có ý nghĩa thiết thực đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Về thoả thuận thi hành án

 Ý kiến phát biểu của đồng chí Bùi Đăng Thuỷ, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Đăc Lăk và đồng chí Phan Tấn Nộ, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đều chung quan điểm cho rằng dự thảo không nên quy định về thoả thuận thi hành án giữa các bên đương sự diễn ra trước khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Trưởng Phòng Nghiệp vụ Thi hành án dân sự tỉnh Đăc Lăk cho rằng cần quy định chặt chẽ vì thực tế đương sự lạm dụng quyền thoả thuận để kéo dài việc thi hành án; trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì nên theo hai 2 phương án: một là cơ quan tiếp tục  việc thi hành án, hoặc là Toà án sẽ có trách nhiệm giải quyết. Đại diện Thi hành án dân sự huyện Lăk cũng đồng tình quan điểm này, đồng thời kiến nghị quy định chặt chẽ địa điểm thoả thuận, ví dụ như tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú hoặc có thoả thuận hoặc tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trưởng Phòng Kiểm tra Thi hành án dân sự tỉnh Đăc Lăk bổ sung địa điểm chứng kiến thoả thuận có thể là nơi có tài sản, quy định trách nhiệm của Chấp hành viên chứng kiến việc thoả thuận nếu như thoả thuận đó là không trái pháp luật. Về quy định người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thoả thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải “thanh toán các chi phí hợp lý cho Chấp hành viên” được đồng chí Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định kiến nghị sửa thành “thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự”, theo thủ tục tài chính chặt chẽ để tránh thắc mắc, khiếu nại.

Về thời hiệu yêu cầu thi hành án

Đồng chí Giang, Trưởng Phòng kiểm tra thuộc Thi hành án dân sự tỉnh Đăc Lăk kiến nghị cân nhắc lại Điều 2, đoạn “Đối với trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có  xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú” nên thêm cho rõ nội dung xác nhận là về tại địa phương đó có xảy ra sự kiện thiên tai, hoả hoạn, để tránh việc xác nhận tuỳ tiện hoặc không đúng nội dung như xác nhận chữ ký của đương sự, xác nhận có địa chỉ thường trú tại địa phương…. Đối với người có lý do là đi công tác thì chỉ nên quy định đối với trường hợp “ ở xa, ở nước ngoài, biên giới, hải đảo” mới được coi là trở ngại khách quan, vì đưong sự cũng đã được Toà án khi cấp bản án, quyết định giải thích rõ về thời hiệu yêu cầu thi hành án để thực hiện quyền này, thời hiệu yêu cầu thi hành án cũng đã được quy định dài hơn, điều kiện về thông tin liên lạc đã tốt và đa dạng hơn.

Về xác minh điều kiện thi hành án

Về nội dung này, các đại biểu cho rằng đương sự phải cung cấp chứng cứ  (ví dụ như đã nhờ luật sư…); chỉ khi thấy cần thiết thì Chấp hành viên mới tiền hành xác minh lại điều kiện thi hành án; cần tăng thời gian tiến hành việc xác minh lại điều kiện thi hành án lên 10 ngày, cần quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án vì thực tế rất khó khăn; cần quy định nếu cố tình không cung cấp thì Chấp hành viên mời cơ quan chuyên môn, chuyên gia và người phải thi hành án phải chịu chi phí. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về uỷ thác xác minh giữa các cơ quan thi hành án dân sự, và cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nơi uỷ thác trong việc xác minh điều kiện thi hành án trước khi uỷ thác.  Trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới theo phần thì có phải xác minh ở nơi có đương sự khác ở địa phương khác không, nếu nơi đó đương sự đó không có điều kiện thì mới xử lý tiếp tài sản của đương sự đã thi hành xong phần của mình hay không. Về thời hạn xác minh,có ý kiến cho rằng, pháp luật thi hành án dân sự hiện hành quy định việc xác minh là quá vất vả cho Chấp hành viên, mất thời gian, lãng phí, nên giãn khoảng cách các lần xác minh, ví dụ đối với đương sự đang chấp hành hình phạt tù, chưa hết thời hạn chấp hành hình phạt thì  1 năm 1 lần, hoặc chỉ xác minh khi đương sự đã hết hạn tù, còn trong các trường hợp bình thường thì 6 tháng xác minh 1 lần là phù hợp. 

Về thông báo về thi hành án:

Đối với nội dung quy định tại Điều 7 của dự thảo, đoạn “Trường hợp đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện thoại, điện tín, fax, email thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án’ được các đại biểu quan tâm vì đây là quy định mới.  Có ý kiến đồng tình quy định trên để thuận lợi hơn cho đương sự nhưng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Chấp hành viên phải lập biên bản về việc đương sự yêu cầu nhận thông báo bằng hình thức này để có căn cứ lưu hồ sơ thi hành án. Ngược lại,  Trưởng phòng Kiểm tra Thi hành án dân sự tỉnh Đăc Lăk cho rằng cần bỏ hình thức thông báo bằng điện thoại vì đương sự dễ khiếu nại là Chấp hành viên điện thoại để “vòi vĩnh”, dẫn đến “tình ngay lý gian”. Thi hành án dân sự huyện Madrăk cho rằng trường hợp đương sụ bỏ đi khỏi địa phương nhưng có tài sản, có thân nhân ở địa phương thì không cần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ở cấp trung ương mà chỉ cần ở địa phương và thời gian cần rút ngắn hơn.

Về xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước:

Đối với quy định tại Điều 18, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định về việc cơ quan tài chính không có kho để tiếp nhận tài sản bị tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước; nếu có thì quy định về thời hạn 3 tháng để cơ quan tài chính tiếp nhận là quá dài; nên quy định theo hướng nếu sau 10 ngày được thông báo mà cơ quan tài chính không nhận thì cơ quan Thi hành án xử lý, dùng tiền thu được để thanh toán chi phí và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước; không nên quy định về việc cơ quan tài chính uỷ quyền cho cơ quan thi hành án xử lý tài sản và không nên quy định về trách nhiệm của cơ quan này thông báo cho cơ quan thi hành án kết quả xử lý tài sản. 

Về áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án

Các đại biểu quan tâm đến thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, nhất là thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự. Câu hỏi đặt ra là nếu Chấp hành viên phát hiện đương sự có tiền trong túi, vàng trên tay… thì có được lấy ra không, thủ tục lấy thế nào. Đối với tiền, ngoại tệ, không nên quy định phải ghi rõ “seri trên tiền” vì như vậy là tạo điều kiện cho đương sự lấy lại tiền mà chỉ nên quy định trách nhiệm niêm phong. Trường hợp cần ngăn chặn đương sự chuyển dịch tài sản thì cần quy định rõ Chấp hành viên có quyền xử lý như thế nào, cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp và trách nhiệm bồi thường nếu không thực hiện đúng yêu cầu của Chấp hành viên.  Khi trả lại tạm giữ tài sản thì cần có ai, có phải nhất thiết trường hợp nào cũng cần người làm chứng không hay chỉ khi đương sự, người thân thích bất hợp tác? Hay việc dự thảo quy định Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận xuất trình các tài liệu chứng minh là người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc là người được người đó uỷ quyền để kiểm tra và lưu bản sao vào hồ sơ thi hành án là cần cân nhắc thêm vì chỉ cần giấy tờ tuỳ thân hoặc giấy tờ khác phù hợp có xác nhận của Uỷ ban nhân dân hoặc Giám thị trại giam là đủ.

Nhiều ý kiến phát biểu đề nghị hạn chế các trường hợp đặc biệt không cưỡng chế thi hành án vì dễ lợi dụng, đồng thời chưa rõ trách nhiệm của Chấp hành viên có phải tiến hành xác minh về những trường hợp đó trước khi tổ chức cưỡng chế hay không. Mặt khác, cần sửa quy định tại Điều 9 của dự thảo trong việc yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải báo cáo và xin ý kiến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp 5 ngày trước khi cưỡng chế đối với những vụ án lớn, phức tạp vì không khả thi về mặt thời gian, thậm chí còn tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, thực tế nhiều vụ án lớn về giá trị nhưng lại không phức tạp, ngược lại vụ án không lớn nhưng lại phức tạp, do đó nên cần trao quyền chủ động cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án khi thấy cần thiết thì báo cáo Chủ tịch, hoặc phải báo cáo khi Chủ tịch có yêu cầu.

Ý kiến khác đề nghị Nghị định cần làm rõ hơn quyền của chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm  thi hành án khi đang trong thời hạn tự nguyện thi hành án.

Về định giá, bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ:

Nhiều ý kiến kiến nghị tách nội dung này thành một Nghị định riêng, hoặc phải xây dựng thêm một thông tư liên tịch để hướng dẫn chi tiết hoặc cần tách ra thành một chương riêng. Ý kiến của Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cho rằng cần bổ sung căn cứ xác định giá như thị trưởng lưu thông, giá trị của thương hiệu; cần có thêm điều để quy định về số tiền phải để lại và quyền cưỡng chế thi hành án nếu người mua không giao nộp theo yêu cầu của cơ quan thi hành án.

Về phí thi hành án

Nhiều ý kiến phát biểu cho rằng mức phí quy định như hiện hành là thấp, cần tăng lên; đồng thời kiến nghị bỏ mức trần thu phí thi hành án vì không phù hợp; việc thu phí không nên phân biệt đối với vụ việc có giá ngạch hay không có giá ngạch vì Luật thi hành án dân sự không quy định.

Về miễn, giảm thi hành nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước:

Các ý kiến phát biểu về nội dung này kiến nghị Tổ Biên tập quy định thủ tục uỷ thác cho Thi hành án dân sự cấp huyện trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Về xác nhận kết quả thi hành án:

 Có ý kiến đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu giải quyết trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án với nhau không qua cơ quan thi hành án nhưng lại có yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu còn góp ý đối với các nội dung khác của dự thảo. Những ý kiến góp ý trên đây của Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan thi hành án dân sự vùng Tây nguyên nói riêng cũng như Hội nghị các cơ quan thi hành án các tỉnh phía Bắc và phía Nam nói chung thực sự là những ý kiến đóng góp quý báu cho Tổ Biên tập trong việc tiếp tục chỉnh lý dự thảo, đảm bảo nội dung của dự thảo sát với thực tiễn./. 

Lê Kim Dung