Với tinh thần làm việc rất nghiêm túc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có các bài tham luận và các ý kiến phát biểu rất thiết thực, chất lượng cho dự thảo. Mở đầu Hội nghị góp ý kiến cho dự thảo, sau khi nghe đại diện Thường trực Tổ Biên tập gợi ý một số vấn đề cần thảo luận, Trưởng thi hành án dân sự tỉnh An Giang đã phát biểu ý kiến về thoả thuận thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án, miễn giảm thi hành án và phí thi hành án. Đối với nội dung của Dự thảo quy định Thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan mình thuộc diện miễn, giảm thi hành án để đề nghị Toà án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đóng trụ sở xem xét việc miễn, giảm thi hành án, Thi hành án dân sự tỉnh An Giang đồng tình vì nhanh chóng hơn, tuy nhiên, đề dễ dàng hơn trong việc xác định thẩm quyền giữa cấp tỉnh và cấp huyện trong quá trình tham gia thủ tục miễn, giảm, đề nghị Tổ Biên tập kế thừa quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành theo đó, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh uỷ thác cho Thi hành án dân sự cấp huyện để Thi hành án dân sự cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Toà án nhân dân cấp huyện nơi Thi hành án dân sự cấp huyện đóng trụ sở xem xét việc miễn, giảm thi hành án. Về nội dung quy định những trường hợp không tổ chức cưỡng chế thi hành án, Thi hành án dân sự tỉnh An Giang cho rằng không nên quy định trường hợp “ cúng giỗ” vì dễ tuỳ tiện. Đồng thời, đề nghị làm rõ những người phải chịu phí thi hành án với tư cách là người được thi hành án trong các vụ việc thi hành án thừa kế, chia tài sản chung…
Thay mặt Lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp, đồng chí Nguyễn Xuân Nhạc đã tâm huyết, sôi nổi trao đổi về các nội dung của dự thảo, trong đó có nội dung về phí thi hành án. Cho rằng mức phí thi hành án hiện hành mà Thông tư số 68/TTLT-BTP-BTC quy định và được Tổ Biên tập tiếp thu vào dự thảo Nghị định là chưa phù hợp, Đồng Tháp đề nghị nên tăng phí thi hành án lên mức 3%. Mặt khác, bàn về các biện pháp hữu hiệu để thu phí thi hành án, đồng chí cho rằng khi Nghị định số 164/NĐ-CP ngày 14/11/2005 ra đời, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án có thể được kê biên để thi hành án nhưng thực tế ở Đồng Tháp cho thấy, việc kê biên đất nông nghiệp đã gặp khó khăn do không bán được. Do đó, trong trường hợp này, khi người được thi hành án nhận tài sản đất nông nghiệp để trừ vào tiền được thi hành án thì họ không có tiền để nộp phí thi hành án theo quy định. Trao đổi về các quy định của dự thảo về định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ, đại diện Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng không nên giao thẩm quyền này cho Chấp hành viên, do Chấp hành viên chưa có đầy đủ kiến thức chuyên sâu liên quan đến tài sản này.
Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Phạm Hoài Thuận, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre cho rằng mức phí thi hành án mà dự thảo quy định là thấp và trong thực tế việc thu phí thi hành án còn gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, tham luận về nội dung miễn, giảm thi hành khoản thu nộp ngân sách nhà nước, đồng chí đề nghị Tổ Biên tập cân nhắc các quy định tại khoản 1 Điều 26 của dự thảo Nghị định cho phù hợp với quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự. Về điều kiện xét giảm thi hành án, dự thảo quy định đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng phải sau 10 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mới được xem xét mà mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án thì đòi hỏi thời gian quá dài, so sánh với chính sách hình sự thì không tương đồng, bất cập. Do đó, đề nghị không nên khống chế một lần tỷ lệ giảm thi hành án là bao nhiêu mà chỉ nên quy định mỗi vụ việc thi hành án đương sự được xét miễn, giảm mấy lần và cần giao cho cơ quan Thi hành án, Viện Kiểm sát và Toà án chịu trách nhiệm. Về vai trò của Viện Kiểm sát trong miễn, giảm thi hành án, đề nghị làm rõ hơn vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 62 Luật thi hành án dân sự, đồng thời nhất trí như dự thảo về quy định Thi hành án dân sự tỉnh lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án gửi cho Toà án nhân dân cấp huyện nơi đóng trụ sở để tránh việc uỷ thác lòng vòng. Mặt khác, cần làm rõ hơn sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện miễn, giảm thi hành án, do trong quá trình thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 vẫn còn nhiều rắc rối nhất là trong việc xác định điều kiện thi hành án của những người phải thi hành án khi trên thực tế thì họ có tài sản, nhưng lại không đứng tên trên tài sản, hoặc có tài sản nhưng là tài sản chung chưa chia hoặc không phân chia được (ví dụ trường hợp người phải thi hành án là con sống chung với cha mẹ). K 3 điều 62 Luật quy định hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn, giảm thi hành án cần có biên bản xác minh điều kiện thi hành án không quá 3 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm nhưng tại k4 Điều 27 của dự thảo Nghị định lại quy định “việc xác minh không nhất thiết phải thực hiện mỗi quý một lần nhưng thời hạn xác minh không được quá một năm” là có mâu thuẫn hay không.
Tham luận về định giá, thẩm định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Lực, Trưởng Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh nơi hàng năm có số lượng vụ việc phải thi hành lớn nhất nước và cũng là nơi đi đầu với những yếu tố mới trong thi hành án đã có nhiều ý kiến rất thiết thực để gợi mở cho Tổ Biên tập những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện đối với nội dung mới mẻ nhưng quan trọng này. Về định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ, đồng chí đề nghị tách nội dung này thành một Nghị định riêng, nếu không quy định thành một Nghị định riêng thì cũng cần quy định thành một chương riêng. Cần xác định rõ đối tượng kê biên là quyền tác giả, các quyền liên quan, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng; cần làm làm rõ nếu không thu hồi được văn bằng thì xử lý như thế nào; thời hạn bảo hộ các quyền là khác nhau nên chỉ kê biên khi tài sản còn thời hạn bảo hộ; chỉ kê biên quyền về tài sản; cần làm rõ người phải thi hành án là tác giả hay là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ do đã được chuyển một phần hoặc toàn bộ quyền đó. Điều 16 của dự thảo về định giá quyền sở hữu trí tuệ cần làm rõ những nội dung mà Luật đã yêu cầu, tức quy định trình tự; thủ tục (thủ tục chung; những trường hợp phải mời cơ quan chuyên môn tham dự tuỳ thuộc vào từng tài sản định giá…); phương pháp (các trường hợp thông thường thì theo giá thị trường, còn đối với quyền sở hữu trí tuệ thì theo giá trị kinh tế của quyền đó; tiêu chí để xác định cần bao gồm chi phí đầu tư để tạo ra sản phẩm, để đăng ký, gia hạn, bảo vệ quyền tác giả, thù lao cho tác giả, chỉ phí đàm phán mua lại quyền, mức độ tiếp nhận của thị trường đối với tài sản, những hạn chế đối với tài sản và giá trị còn lại. Thẩm quyền định giá nên hạn chế các tổ chức có chức năng định giá vì không phải tổ chức nào cũng có điều kiện chuyên sâu về quyền sở hữu trí tuệ. Nên chăng cần thiết thành lập Hội đồng định giá như cơ chế hiện hành đối với loại tài sản này. Nội dung về giám định quyền sở hữu trí tuệ nên tách thành một điều riêng. Việc bán đầu giá quyền sở hữu trí tuệ cần quy định theo hướng áp dụng các nguyên tắc chung về bán đấu giá tài sản nhưng cần quy định thêm là phải mời các chuyên gia tham gia cuộc bán đấu giá để giải thích vướng mắc cho người mua theo hiểu biết chuyên môn; giải thích các căn cứ định giá, bán đấu giá, và bổ sung quy định trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để đăng ký, thay đổi quyền đối với tài sản.
Ngoài ra, Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cũng góp ý rất cụ thể cho các nội dung khác của dự thảo. Tại Điều 3 của dự thảo Nghị định quy định để chứng minh tình trạng sức khoẻ của đương sự cần có xác nhận của tổ chức y tế cấp huyện trở lên là chưa đủ, cần bổ sung bệnh viện tư nhân cũng được xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đối với Điều 4, đồng chí cho rằng không nên quy định về thoả thuận trước thi hành án, vì đó là quyền của các bên, không cần sự can thiệp của cơ quan nhà nước, đồng thời nên quy định Chấp hành viên có quyền từ chối chứng kiến việc thoả thuận nếu thoả thuận đó là không phù hợp, nhưng phải lập biên bản về lý do từ chối chứng kiến để làm căn cứ về sau; thực hiện chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan thi hành án thì đương sự cần thanh toán chi phí cho cơ quan thi hành án để tránh tuỳ tiện. Về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án quy định tại Điều 6 của dự thảo cần chỉnh lý theo hướng không cần thiết Chấp hành viên phải tiến hành “xác minh lại điều kiện thi hành án” và phải chịu trách nhiệm về việc xác minh của mình trong khi đương sự đã vất vả thực hiện trách nhiệm xác minh, do đó nên sửa thành “kiểm tra lại kết quả xác minh để tổ chức thi hành đúng pháp luật”; ngoài việc quy định đương sự “phải chịu chi phí xác minh lại” còn nên bổ sung đương sự phải chịu các hình thức khác phù hợp. Về thời hạn xác minh, nếu mỗi quý 1 lần xác minh là không khả thi đối với địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, lại vừa tốn thời gian, lãng phí không cần thiết, chỉ nên quy định chung là ít nhất 1 năm 1 lần chung cho mọi việc thi hành án, không phân biệt là trường hợp đang chấp hành hình phạt tù hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú…Về Điều 8 đối với nội dung thông báo về thi hành án, do địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, trong đó có quy định phạm vi hoạt động của Thừa phát lại có thực hiện việc thông báo về thi hành án, nên dự thảo cần bổ sung việc thông báo do Thừa phát lại thực hiện theo uỷ quyền. Đồng chí cũng cho rằng không nên quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu phải xin ý kiến chỉ đạo của Tư lệnh quân khu ít nhất là 5 ngày làm việc trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn vì rất phức tạp; lịch làm việc kín dẫn đến không cho ý kiến được kịp thời, thậm chí tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án đùn đẩy trách nhiệm. Về vấn đề này cần giao cho Trưởng thi hành án dân sự cân nhắc từng vụ việc cụ thể cho chủ động. Những trường hợp dự thảo quy định không tổ chức cưỡng chế thì cần quy định cụ thể là những việc cưỡng chế mà phải huy động lực lượng trong các trường hợp đặc biệt thì mới không cưỡng chế, còn những việc cưỡng chế khác, đơn giản ví dụ như phong toả tiền trong tài khoản dịp Tết thì vẫn nên tiến hành bình thường. Về xử lý tài sản tịch thu sung công, thì không nên quy định cơ quan tài chính phải thông báo kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án vì nhiều vụ việc kéo dài hàng năm mà việc xử lý vẫn không xong. Về trách nhiệm xác nhận kết quả thi hành án, Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đề nghị nên quy định Chấp hành viên là người trực tiếp xác nhận, chỉ khi Chấp hành viên nghỉ hay chuyển công tác thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án mới xác nhận để tránh sự phiền hà cho dân. Về phí thi hành án, đề nghị bỏ quy định về điều kiện “năm sau thu cao hơn năm trước”, đề nghị tăng mức phí thi hành án lên 3-4% , tăng mức khống chế tối đa không quá 200.000.000đ, bỏ thủ tục mỗi lần thu phí phải ra một quyết định thu phí vì tốn kém không cần thiết, mà chỉ cần biên lai là đủ.
Tham gia ý kiến cho dự thảo, đại diện Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị quy định chặt chẽ thủ tục chuyển giao nghĩa vụ thi hành án, theo đó thì phải có sự chấp thuận của người được thi hành án, người phải thi hành án và người thứ ba để tránh việc đương sự trốn tránh việc thi hành án. Đối với nội dung về ra quyết định thi hành án, đề nghị quy định theo hướng trong trường hợp bình thường thì ra 1 quyết định thi hành án và tuỳ trường hợp thi hành án cụ thể có thể ra nhiều quyết định, và nên bổ sung nội dung ra quyết định theo đơn yêu cầu thi hành án. Về Điều 8, nếu yêu cầu đương sự phải xuất trình chứng cứ chứng minh đã xác định điều kiện thi hành án thì khó vì pháp luật chưa quy định các cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự. Điều 92 Luật thi hành án dân sự quy định về kê biên vốn góp nhưng thực tế nhiều khi khó xử lý vì trình tự thủ tục thi hành án chưa có: làm thế nào để xác định vốn góp trong doanh nghiệp, theo Luật doanh nghiệp thì do các thành viên hoặc do Toà án xác định, vậy Thi hành án có làm được không. Đối với Điều 9, cần quy định thành phần mở niêm phong vàng bạc, và cần cân nhắc quy định về xác định vật là vàng, bạc, đá quý vì phải giám định mới xác định được trong khi ở nông thôn lại thiếu tổ chức giám định, quy định phải giữ vàng, bạc, đá quý tại Kho bạc Nhà nước nhưng chỉ trong 15 ngày đã phải xử lý thì có kịp không, thủ tục trả lại tài sản mà đương sự không nhận thì giải quyết thế nào cần được quy định cụ thể. Điều 13 của dự thảo cần làm rõ hơn việc trích lại cho đương sự đảm bảo đời sống và hoạt động kinh doanh và thủ tục thu tiền theo ngày, tuần, tháng, quý, năm. Về phí thi hành án, cần cân nhắc quy định vẫn thu phí thi hành án khi đương sự không có đơn yêu cầu thi hành án và quy định về cưỡng chế thu phí vì không có căn cứ.
Phát biểu góp ý cho dự thảo, đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Trưởng thi hành án dân sự tỉnh Long an trăn trở đối với quy định tại Điều 5 cho phép đương sự thoả thuận, “yêu cầu khác với nội dung bản án đã tuyên…”, tức vượt ra ngoài nội dung bản án là quá rộng, khó kiếm soát, cần giới hạn việc thoả thuận chỉ về phương thức, thời gian, địa điểm thi hành án; việc quy định đương sự phải chịu chi phí chứng kiến thoả thuận thi hành án ngoài trụ sở nên bỏ vì dễ phát sinh tiêu cực. Về ra quyết định thi hành án, nên quy định cơ quan thi hành án giao tài sản cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án đề “quản lý” tài sản. Về xác minh điều kiện thi hành án cần cân nhắc quy định đảm bảo hài hoà giữa trách nhiệm xác minh của đương sự và của Chấp hành viên: nếu không lấy kết quả xác minh của đương sự làm căn cứ thi hành án thì chưa đúng, nhưng nếu yêu cầu mọi trường hợp Chấp hành viên đều phải xác minh lại cũng không phù hợp, do đó chỉ nên quy định “chỉ khi cần thiết” thì mới phải tiến hành xác minh lại điều kiện thi hành án. Về các trường hợp không cưỡng chế thi hành án, chỉ nên quy định không cưỡng chế trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán và các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án; các trường hợp còn lại do Chấp hành viên xem xét, quyết định. Về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án, từ thực tiễn thừa kế các nghĩa vụ của người chết rất khó khăn, kéo dài, thụ động do đương sự không chịu khởi khởi kiện, mất nhiều thời gian, đồng chí cho rằng cần hướng dẫn theo hướng nghĩa vụ phải chuyển giao và người thừa kế phải thực hiện. Về mức phí thi hành án cần tăng lên mức 3-4% và mức trần nên tăng lên 200.000.000đ.
Đại diện cho Thi hành án dân sự tỉnh Cà mau, đồng chí Nguyễn Văn Thi góp ý cho Điều 6 dự thảo theo hướng nên quy định thời hạn người được thi hành án phải cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án, ví dụ là 5 ngày, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, sau 1 tháng mà không cung cấp cũng không yêu cầu Chấp hành viên xác minh thì trả đơn yêu cầu thi hành án; dự thảo quy định việc xác minh lại trong thời hạn 7 ngày, đối với địa bàn rộng đi lại khó khăn thì chưa phù hợp, nên tăng lên thành 10 ngày. Đối với Điều 18, dự thảo quy định 3 tháng để chờ cơ quan tài chính chuẩn bị kho bãi là quá dài, đồng thời cần bỏ quy định về việc cơ quan tài chính uỷ quyền cho cơ quan thi hành án xử lý tài sản.
Trưởng Thi hành án dân sự huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai trăn trở về tên gọi của Nghị định. Nếu hiểu thủ tục thi hành án dân sự theo nghĩa rộng thì tên gọi của Nghị định như dự thảo là phù hợp, nếu không thì còn băn khoăn vì chỉ có 3 điều của dự thảo là liên quan đến chương 3 Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án. Về phạm vi điều chỉnh của Nghị định cần bổ sung hướng dẫn về thanh toán tiền thi hành án, vì thực tế đương sự đang lợi dụng pháp luật để tài sản lại quay trở về túi của người phải thi hành án. Về thoả thuận thi hành án, chỉ nên quy định về thoả thuận thi hành án sau khi yêu cầu thi hành án, thoả thuận phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của đương sự để đảm bảo tính pháp lý. Đối với Điều 13 thì mức tiền để lại cho đương sự còn quá chung chung, nên cần theo mức chuẩn nghèo tại đại phương. Về phí thi hành án cần tăng lên mức 5%, có thể giảm dần với án có giá trị lớn, và nên bỏ quy định về’ số phí năm sau phải cao hơn năm trước”. Về miễn, giảm thi hành án cần quy định thủ tục đơn giản hơn nữa.
Các ý kiến của cơ quan thi hành án dân sự địa phương đối với dự thảo Nghị định quy định về thủ tục thi hành án dân sự là rất hữu ích, giúp cho Tổ Biên tập có thêm căn cứ đề chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo./.
Lê Kim Dung