Hoạt động thi hành án dân sự không những góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ những quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Do đó, cơ quan THADS không thể một mình thực hiện tốt các công việc trên, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo mọi quyết định, hành vi của cơ quan THADS và Chấp hành viên được tốt, đòi hỏi cơ quan THADS cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác THADS. Trong những năm qua, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phụng Hiệp rất quan tâm đến công tác phối hợp liên ngành để giải quyết các vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng liên quan đến các ban, ngành địa phương, trong đó công tác phối hợp xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự luôn được Chi cục quan tâm thực hiện. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Công an huyện tiến hành 26 cuộc thực hiện giao nhận 313 tang vật, vật chứng, đã giải quyết 30 vụ với 524 tang vật, vật chứng.
Công tác phối hợp của các cơ quan, ban ngành đã góp phần cho Chi cục kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong thực tế. Do đó, cần phải tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp giữa các ngành trong giải quyết thi hành án dân sự. Để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, Chi cục đề ra những giải pháp cụ thể:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế liên ngành tư pháp tại địa phương liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự. Cụ thể ở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phụng Hiệp cần thực hiện tốt các quy chế phối hợp như: Quy chế số 01/QCPH - BHXH - CCTHADS ngày 03/9/2015 phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phụng Hiệp trong công tác thi hành án dân sự, Quy định phối hợp số 01/QĐPH-VKS-CA-TA-THA ngày 16/10/2018 phối hợp liên ngành Tư pháp về việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quy chế liên ngành số 39a/QCLN-CA-THA ngày 09/01/2019 phối hợp liên ngành Công an huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện trong công tác thi hành án dân sự, Quy chế phối hợp 230/QCPH-CCTHADS-CNVPĐKĐĐ ngày 22/4/2019 giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đại huyện trong công tác Thi hành án dân sự, Quy chế phối hợp 278/QCLN-VKS-TA-CCTHA ngày 30/9/2013 giữa Viện kiểm sát, Tòa án , Chi cục Thi hành án trong công tác Thi hành án dân sự. Kịp thời sơ, tổng kết việc thực hiện các quy chế phối hợp, nhằm đánh giá, rà soát, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan đến công tác THADS đến các cấp, các ngành và phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi pháp luật nói chung và công tác THADS nói riêng.
- Nâng cao vai trò Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự để chỉ đạo điều hành hoạt động phối hợp thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo THADS cần có biện pháp đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức không thực hiện việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đặc biệt là Viện KSND, TAND, cơ quan Công an và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động THADS được triển khai ngày càng tích cực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Trương Thị Ngọc Yến