Sign In

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Thi hành án dân sự (19.7.1946 - 19.7.2016) Khẳng định vai trò trong hệ thống tư pháp

19/07/2016

Gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đã vượt qua những khó khăn, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong xu thế phát triển chung của đất nước, các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi từng bước lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế của ngành trong hệ thống chính trị địa phương.
Những cột mốc lịch sử
 
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và THADS, ngày 24.01.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán; trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan THADS trong chế độ mới. Ngày 19.7.1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án. Theo quy định của các văn bản trên, từ năm 1945 - 1950, hoạt động THADS đã trở thành một lĩnh vực công tác của Ngành Tư pháp do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện. Việc THADS thể hiện quyền lực Nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế. Việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của Thẩm phán đạt được những kết quả nhất định, góp phần bảo đảm pháp chế của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho công tác THADS sau này.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trong buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi
 
Năm 1960, công tác thi hành án tiếp tục có thêm bước phát triển mới, đó là trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Ngày 14.11.1974, TAND Tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án. Theo đó, Phòng chỉ đạo thi hành án là một Phòng hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao, giúp Chánh án TAND Tối cao nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án của Chấp hành viên tại TAND các cấp…
 
Ngày 18.12.1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ hòa bình. Theo quy định của Điều 137 của Hiến pháp cũng ghi nhận nguyên tắc hiến định về giá trị thi thành của các bản án, quyết định của Tòa án. Để cụ thể hóa Hiến pháp, ngày 3.7.1981, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND, giao cho Bộ Tư pháp đảm nhiệm công tác quản lý TAND địa phương về mặt tổ chức, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp là quản lý Toà án địa phương, trong đó có công tác THADS. Đến ngày 28.8.1989, Pháp lệnh THADS lần đầu tiên được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động THADS.

Để tiếp tục củng cố và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả. Ngày 14.11.2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự. Ngày 25.11.2014 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật thi hành án dân sự, theo quy định của Luật, các cơ quan THADS tiếp tục được giao thêm chức năng và nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.

Qua lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển có thể thấy, hệ thống cơ quan THADS đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng, những thay đổi về tổ chức, những thành tựu và cả những hạn chế đã để lại những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai của hệ thống cơ quan THADS. Song dù ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức (CBCC) cơ quan THADS vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
                                              
Nếu lấy năm 1993 làm cột mốc (khi công tác THADS được chuyển từ Tòa án sang cơ quan THADS), thì quá trình phát triển và trưởng thành của ngành THADS tỉnh có thể chia thành 3 giai đoạn: khoảng thời gian 1993 - 2003; kế đến là từ năm 2004 - 2008 và từ năm 2009 đến nay
 
 
Dấu ấn THADS Quảng Ngãi
 
Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước, cùng với sự phát triển của Ngành Tư pháp nói chung, hệ thống THADS nói riêng, các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi cũng từng bước hình thành, phát triển như một xu thế tất yếu của lịch sử. Nếu lấy năm 1993 làm cột mốc, khi công tác THADS được chuyển từ Tòa án sang cơ quan THADS, thì quá trình phát triển và trưởng thành của ngành THADS tỉnh có thể chia thành 3 giai đoạn; đó là khoảng thời gian 1993 - 2003; kế đến là từ năm 2004 - 2008 và từ năm 2009 đến nay.
 
Từ năm 1993, khi mới tiếp nhận công tác THADS từ tòa án sang cơ quan THADS, công tác THADS có những khó khăn nhất định, như về cơ sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị còn thiếu, biên chế chưa đáp ứng với yêu cầu công tác thi hành án. Nhận thức của xã hội về công tác thi hành án dân sự chưa đầy đủ nên trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhiều bản án, quyết định có điều kiện thi hành nhưng tòa án để kéo dài nhiều năm, có bản án, quyết định chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để thi hành, sau khi tiếp nhận cơ quan Thi hành án dân sự phải hoàn chỉnh các thủ tục để tổ chức thi hành án; các qui định của pháp luật về thi hành án trong giai đoạn này chưa đầy đủ nên trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn khó khăn…
 
Cán bộ, công chức Ngành THADS tỉnh có những đóng góp góp phần quan trọng trong
công cuộc xây dựng quê hương, đất nước
 
Đến thời điểm 2004, qua thời gian áp dụng, Pháp lệnh THADS năm 1993 đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ chung của ngành. Vì vậy, ngày 14.1.2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh THADS thay thế cho Pháp lệnh THADS năm 1993. Pháp lệnh THADS năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành khẳng định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về THADS trong cả nước, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong quân đội. Ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án. Cơ quan THADS đổi tên từ Phòng Thi hành án cấp tỉnh thành THADS cấp tỉnh, Đội thi hành án cấp huyện thành Thi hành án cấp huyện. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện trên thực tiễn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điều này đã dẫn đến tình trạng án dân sự tồn đọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án chưa được bảo đảm, nhiều việc gây bức xúc trong xã hội.
 
Nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, từng bước nâng cao hiệu quả công tác THADS, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 14.11.2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật THADS và Nghị quyết về việc thi hành Luật THADS. Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về cơ quan quản lý THADS. Có thể thấy, việc chuyển giao công tác THADS cho cơ quan THADS đã tạo bước chuyển biến tích cực; hiệu lực pháp luật của các bản án, quyết định được phát huy trên thực tế; số lượng án tồn đọng giảm đáng kể; quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Luật THADS năm 2008 cũng đã góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong công tác THADS, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trinh thi hành án trên địa bàn tỉnh. Công tác tổ chức cán bộ có một bước tiến vượt bậc, công tác tuyển dụng, đào tạo, tiềm kiếm người có trình độ, năng lực đáp ứng nhu cầu công việc luôn được Cục THADS tỉnh được chú trọng. Chính những nỗ lực không ngừng này, các cơ quan THADS tỉnh hiện có 95 CBCC có trình độ đại học; trong đó có 51 chấp hành viên, 4 thẩm tra viên... Hiện tại, 14 Chi cục THADS các huyện, thành phố trong tỉnh đều có Chi cục trưởng và có từ 2 Chấp hành viên trở lên, đảm bảo năng lực hoạt động của các cơ quan THADS. Về chuyên môn cũng đã có bước tiến nhảy vọt, từ chỗ phần lớn CBCC trong các cơ quan THADS tỉnh thiếu chuyên môn nghiệp vụ, đến nay hơn 85% CBCC có chuyên môn Luật. Cùng với việc đào tạo về chuyên môn, lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã chú tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCC nhằm tạo cho CBCC có tác phong đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng để tổ chức THADS đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân.
Hơn 20 năm qua, kết quả thi hành án về việc và về tiền trên địa bàn tỉnh đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng giai đoạn. Số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
                            
                                                                                                                                Minh Triều

Tác giả ảnh: Minh Triều

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: